Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 01:16:06

Tháng Bảy về “khúc ruột” miền Trung

Ngày đăng: 23/07/2020

QK2 –  Tháng Bảy, tháng tri ân, tháng đã trở thành thông lệ để cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng. Trong niềm vui phấn khởi trước sự thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 2 lần thứ IX nhiệm kỳ 2020 -2025, mọi hoạt động tri ân càng trở nên ý nghĩa.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu trình hoa tri ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn.

Theo đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu do Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu dẫn đầu, chúng tôi hành hương vào dải đất miền Trung để tổ chức dâng hương, hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng liệt sỹ tại khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc nhân dịp kỷ niệm73 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1947 / 27-7-2020).

Trước Anh linh Đại tướng, những cảm xúc trào dâng, tưởng nhớ về vị tướng huyền thoại của Nhân dân đã khiến đôi mắt của vị tướng trẻ nháy đều và hoe đỏ nơi khóe mắt, khiến cho tôi cũng nhạt nhòe ống kính. Chất giọng trầm ấm của Đại tá Nguyễn Như Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu bảy tỏ lòng biết ơn vô hạn công lao của Đại tướng; những lời hứa với Đại tướng chính là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, để kế tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm xây dựng LLVT Quân khu ngày càng trưởng thành vững mạnh.

Ngay từ cổng vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, những bước chân nhẹ nhàng chạm đất trong cảm xúc linh thiêng. Tôi vội vã chớp nhanh những khuôn hình của khoảng khắc tri ân, thành kính thắp lên những nén tâm nhang mà cảm thấy nhói lòng, nhớ về mấy câu thơ ngay cổng vào của cựu chiến binh Phạm Đình Lân:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”.

Trong khoảng mênh mông của Thành Cổ, hài cốt các bậc cha, chú vẫn yên giấc. Mỗi ngọn cỏ, nhành cây còn đậm in màu máu, để tôi và mọi người khi đặt chân đến Thành Cổ rất đỗi tự hào, linh thiêng và tràn đầy cảm xúc. Ngay trước Đài tưởng niệm, trong cái nắng chói chang, những cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị chờ đón giúp đỡ đoàn những phần việc nghi lễ đã thấm ngấm vào máu, thuần thục và trang trọng, thành kính. Hồi ức về Quảng Trị, mảnh đất được ví như khúc ruột miền Trung, cái điểm tì vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng giang sơn. Có phải vậy chăng mà từ thuở khai thiên lập địa mảnh đất này đã phải chịu bao nỗi mất mát đau thương và chia cắt. Và chính tại dòng sông Thạch Hãn này cách đây gần nửa thế kỷ để chuyển quân, tiếp tế vũ khí, thuốc men cho chiến trường, hàng vạn thanh niên mà phần lớn là những người con của miền Bắc đã tạm biệt quê hương yêu dấu, xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Để rồi có ai ngờ sau buổi chia tay của hàng vạn thanh niên ấy đã trở thành buổi chia tay “định mệnh”, các anh đã mãi mãi nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn và mảnh đất Thành Cổ anh hùng; không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Có chăng chỉ là một lời nhắn nhủ, khi đất nước hòa bình, nếu có điều kiện các em hãy đi tàu vào đây ngắm dòng sông Thạch Hãn là nơi các anh xa mãi và hãy thả cho nhau những cánh hoa thời trai trẻ. Năm tháng đã qua, chừng ấy thời gian vẫn chưa thể xoa dịu nỗi đau mất mát, dòng nước ngày ấy dẫu đã trôi về phía đại dương, nhưng đáy sông này vẫn chưa thể nào gột rửa hết nỗi bi thương của mùa hè rát bỏng 1972.

Về miền Trung hôm nay, mỗi thành viên trong đoàn công tác mang đầy cảm xúc và lòng biết ơn vô hạn, cùng hướng lòng mình đến các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; hướng về hàng vạn liệt sỹ phục vụ chiến đấu ở Mặt trận Đường 9 trên đất bạn Lào. Dưới cái nắng gắt miền Trung, làm sáng thêm tên tuổi và cả không rõ tên tuổi, năm sinh, ngày tháng hy sinh của hàng vạn liệt sỹ giữa đại ngàn Trường Sơn huyền thoại. Thành kính tri ân và cùng nhau thắp những nén tâm nhang lên từng phần mộ các anh trong nỗi niềm cảm xúc. Sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã trở thành khúc tráng ca bất tử, giành lại độc lập – tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân loại.

Rời khúc ruột miền Trung trong tôi còn lắng mãi những tiếng gọi thân thương đầy da diết của ai đó về thăm viếng, tri ân qua những ca khúc ngợi ca sự sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong: “Cúc ơi, Nhỏ ơi, Xuân ơi… dậy đi, hãy dậy đi về đây về để cùng tái ngộ…” sao mà tha thiết đến cháy lòng. Hình ảnh những cô gái mãi mãi tuổi 20 thành hàng, thành lối phía sau Đài tưởng niệm ở Ngã ba Đồng Lộc chắc khó có thể mờ phai. Mong sao tôi và đồng đội hôm nay sẽ may mắn có nhiều dịp được về lại với mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, gian lao, nhưng cũng đầy ắp tình người, tình đời, đúng như những câu hát: “Gừng cay – muối mặn” để rồi sẽ mãi bên nhau, sẽ mãi làm ấm lòng các anh, các chị, những người con ưu tú của quê hương đất nước, đã không tiếc máu xương cho độc lập – tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân; hãy tự nhủ với chính mình phải làm gì để những chiến công hào hùng của dân tộc sẽ mãi là niềm tự hào, là động lực cho thế hệ hôm nay và mai sau trong bước đường đi tới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: VĂN THI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.