Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 11:06:24

Tết nhảy của người Dao

Ngày đăng: 29/12/2015

Người Dao ở nhiều vùng ăn Tết từ tháng chạp, tổ chức nhảy múa suốt đêm để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và cầu mong mùa màng tươi tốt.Vì vậy, Tết nhảy của người Dao chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Điệu “Pẻo tộ” trong Tết nhảy của người Dao.

Điệu “Pẻo tộ” trong Tết nhảy của người Dao.

Tết nhảy hay “Nhiang chằm Ðao” là nghi lễ cúng Bàn Vương Thủy Tổ của dân tộc Dao. Theo truyền thuyết, trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền gặp bão, tính mạng bị đe dọa. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, nếu vào đến đất liền an toàn hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau, các họ người Dao, kể cả Dao đỏ, Dao Tiền hay Dao Quần Chẹt đều tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên. Tết nhảy chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) và là việc của mỗi gia đình, nhưng được cả bản chung tay góp sức từ nấu cỗ đến các nghi thức lễ lạt, nên coi như Tết chung của cả vùng. Người Dao không câu nệ chuyện ăn uống trong Tết nhảy. Lễ cúng chỉ giản đơn gồm thịt và rượu để dâng lên tổ tiên, sau đó được mang ra thiết đãi bà con. Nghi lễ chính trong Tết này là các điệu nhảy do một tốp nam nữ trong làng thể hiện dưới sự hướng dẫn của thầy cả (chủ lễ). Ban đầu, thầy cả tổ chức 14 điệu nhảy dẫn đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về “ăn” Tết.
Để chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất, điệu nhảy chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Để mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, điệu nhảy được diễn tả bằng múa cò, mô phỏng cảnh chim cò sải cánh bay xa, rồi dáo dác tìm chỗ đậu lại. Điệu nhảy mời thần linh “ăn” Tết được diễn tả bằng nhịp bước khoan thai và uy lực của loài hổ…
Mỗi điệu nhảy mang tính hình tượng cao và độc đáo, diễn tả cảnh các thiên thần, tổ tiên về hạ giới dự Tết với con cháu. Trong Tết nhảy, người Dao còn hát các điệu hát nói về công lao của đấng tổ tiên, sự tích dòng họ, các sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn… Cứ thế mỗi người nhảy múa hàng trăm lượt và động tác như uyển chuyển hơn trong men say rượu Tết, làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới giao hòa giữa quá khứ và hiện tại. Kết thúc Tết nhảy, tiếng tù và sẽ vang lên và tất cả lại cùng uống rượu, chúc gia chủ một năm tốt lành.
VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.