Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 10:14:33

Tết này đi đâu, xem gì?

Ngày đăng: 22/01/2017

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh không khí nhộn nhịp mua sắm, thì việc chọn cho gia đình nơi nghỉ dưỡng hay những hoạt động văn hóa, nghệ thuật được người dân quan tâm. Các tỉnh, thành phố, các đơn vị tổ chức sự kiện cũng chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, vui chơi giải trí cho người dân.

Nghe khèn trên nóc nhà Đông Dương, ngắm hoa anh đào Đà Lạt

Những năm gần đây, thay vì ở nhà đón Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt Nam có xu hướng chọn đi du lịch để trải nghiệm không khí đón Tết, vui Xuân ở các địa danh mới trong nước hoặc ngoài nước. Nắm bắt nhu cầu này, dịp Tết Đinh Dậu năm nay, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động, chương trình sôi động nhằm thu hút du khách. Một trải nghiệm độc đáo, đó là khi du khách chinh phục đỉnh cao 3.143m của nóc nhà Đông Dương, được tận hưởng không gian lễ hội đậm sắc màu Tây Bắc tại “Lễ hội khèn, hoa – Không gian văn hóa Tây Bắc 2017”. Chương trình khai mạc mồng 3 Tết Đinh Dậu tại Khu du lịch Fansipan Legend, Lào Cai và kéo dài tới hết ngày 16 tháng Giêng. Tiết lộ từ ban tổ chức chương trình cho biết, đây là lần đầu tiên có một lễ hội quy tụ 12 đội khèn xuất sắc nhất Tây Bắc tham dự; bên cạnh đó còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống hấp dẫn do người bản địa tổ chức như: Đi cà kheo, ném còn, đánh én, nhảy sạp, khèn lá…

Diễn xuất của các nghệ sĩ trong chương trình "Gặp nhau cuối năm-Táo Quân 2017". Ảnh: VFC 

Diễn xuất của các nghệ sĩ trong chương trình “Gặp nhau cuối năm-Táo Quân 2017”. Ảnh: VFC

Công viên Asia Park (Đà Nẵng) dịp Tết này lại khiến du khách bất ngờ khi đem đến một cái Tết truyền thống trong không gian đậm đặc văn hóa Việt với “Phiên chợ ngày Xuân”, diễn ra từ 28-1 đến 6-2 (tức từ Mồng Một đến mồng 10 Tết Nguyên đán)… Xuân về, ngắm hoa đào chuông đặc trưng tại các khu tâm linh của Khu du lịch Bà Nà Hills sẽ đem đến cho du khách cảm giác thanh tịnh, tĩnh tại.

Tới thành phố Đà Lạt mộng mơ, du khách hòa mình trong không gian đủ màu sắc của các loài hoa, điểm nổi bật là “Lễ hội Hoa Anh đào Đà Lạt lần thứ nhất”, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-2 (tức 15 đến 17 tháng Giêng). Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra các sự kiện như: Trồng lưu niệm cây mai anh đào tại một số khu vực trên phố hoa Đà Lạt; triển lãm ảnh nghệ thuật hoa mai anh đào; hội hóa trang, chương trình khám phá khu du lịch Tuyền Lâm…

Tết Đinh Dậu năm nay được nghỉ 7 ngày, nên việc lựa chọn đi tua của các gia đình cũng tăng lên đáng kể, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours cho biết, so với Tết năm ngoái, lượng khách Việt Nam du lịch Tết năm nay tăng khoảng 10-20%. Để hút khách, nhiều công ty áp dụng chương trình giảm giá mạnh với nhiều ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn, đặc biệt hướng tới các đối tượng đi theo nhóm ba, bốn người trở lên. Các tua tham quan những điểm di sản miền Trung và Nam Trung Bộ vẫn tăng mạnh. Phía Bắc tập trung các tua trải nghiệm vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc để tìm hiểu không khí đón Tết của đồng bào các dân tộc. Ở phía Nam, hai tuyến được du khách lựa chọn nhiều nhất là Phú Quốc và Châu Đốc…

Tết xưa, Tết nay trên phố cổ

Mang đến cho khách tham quan những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống, từ ngày 19-1 đến hết ngày 12-2, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình Tết Việt với nhiều hoạt động hướng về cội nguồn. Tại đình Kim Ngân, khách tham quan sẽ được tìm hiểu về ba dòng tranh dân gian nổi tiếng của Đồng bằng Bắc Bộ là Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ. Không gian đón Tết của gia đình Hà Nội cổ được tái hiện tại Ngôi nhà Di sản Mã Mây; không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống Đồng bằng Bắc Bộ tái hiện tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 phố Đào Duy Từ)…

Mồng 8 và 9 tháng Giêng, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra Ngày hội sắc Xuân, với sự tham gia của khoảng 190 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân thuộc 16 cộng đồng dân tộc của 16 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền của cả nước: Dân tộc Hà Nhì (Lai Châu), Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An), Mạ (Lâm Đồng), Chăm (An Giang), Chăm (Bình Thuận), Khơ-me (Sóc Trăng), Tà Ôi (Thừa Thiên-Huế)… Tại đây có nhiều hoạt động: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân; tái hiện các lễ hội truyền thống: Lễ Xên bản (cúng bản) của dân tộc Thái, Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông…

Phố cổ Hội An, Quảng Nam diễn ra Lễ hội Ánh sáng với chủ đề “Sắc màu Hội An”, từ đêm 27-1 đến 5-2 (đêm 30 Tết đến mồng 9 Tết Đinh Dậu). Dựa trên nguồn cảm hứng từ hình tượng Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) trong tín ngưỡng của người Việt xưa, lễ hội được thiết kế như “bản giao hưởng” đầy màu sắc của công nghệ ánh sáng. Vào các khung giờ 19 giờ, 20 giờ và 21 giờ hàng đêm, tại chùa Cầu sẽ có 10 phút tái hiện hình ảnh về sinh hoạt, giao thương, tiếp biến văn hóa tại Hội An qua các thời kỳ bằng công nghệ trình chiếu 3D.

Rạp chiếu, truyền hình, triển lãm hấp dẫn khán giả

Ngoài chương trình “Gặp nhau cuối năm-Táo Quân 2017” hấp dẫn, đang tạo sự háo hức của khán giả, trình chiếu vào 20 giờ tối Giao thừa, chương trình “Gala cười” phát sóng vào tối Mồng Hai Tết Nguyên đán với sự hội tụ của các danh hài trong Nam, ngoài Bắc cũng hứa hẹn nhiều bất ngờ. Bộ phim truyền hình 4 tập “Mát-xcơ-va – Mùa thay lá” do Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình VFC-Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất được phát sóng vào lúc 20 giờ 10 phút trên VTV1 vào mồng 2, 3, 4, 5 Tết. Đây là bộ phim được quay tại Nga và đánh dấu sự tái hợp của bộ đôi đã từng làm nên cơn sốt với bộ phim “Cầu vồng tình yêu” là Hồng Đăng và Hồng Diễm. “Dưới bầu trời xa cách” là bộ phim kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản, phát sóng trên VTV1 vào 20 giờ 45 phút ngày 22-1 trong khung giờ VTV đặc biệt, và tại Nhật Bản vào tháng 3-2017. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC cho biết, việc phát sóng các bộ phim truyền hình tại nước ngoài nằm trong mục tiêu của VTV là góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các sản phẩm truyền hình chất lượng cao. Ông Trịnh Xuân Hảo, Giám đốc sản xuất bộ phim hài Tết “Ra phố tìm con” cho biết, guồng quay cuộc sống ngày càng nhanh hơn, công việc bận rộn nên dần dần Tết được chuẩn bị đại khái, sơ sài hơn thành ra hương vị Tết không trọn vẹn như xưa. Vì thế, việc lần đầu tiên làm phim hài tung ra dịp Tết Đinh Dậu, qua câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm, ê kíp sản xuất “Ra phố tìm con” hướng tới mục tiêu làm đẹp giá trị truyền thống, tôn vinh hương sắc Tết trong xã hội hiện đại.

Rạp phim Tết năm nay có 4 phim Việt, gồm: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu”, “Bạn gái tôi là sếp”, “Nàng tiên có 5 nhà”. Những phim này được khởi chiếu từ ngày 19-1 đến ngày 12-2 (16 tháng Giêng). Năm nay, số lượng phim rạp Tết giảm mạnh so với mọi năm. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc BHD cho rằng, Tết bây giờ không còn một mình phim Việt thống trị phòng vé mà đã có sự ganh đua khốc liệt của các đối thủ “bom tấn” của nước ngoài. Lý do là trong năm vừa qua, lượng phim nội địa phân bố rải rác trong năm nên phim Tết cuối năm cũng không còn là “của hiếm”.

Các triển lãm tổ chức vào dịp Tết cũng hứa hẹn sự sôi động. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày “Những nẻo đường đất nước”, giới thiệu 100 ký họa màu nước của 70 tác giả với các danh họa của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tỵ, Tạ Thúc Bình, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận… Nhiều tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Phòng tranh Art Gallery Sông Như (số 14/7 Nguyễn Công Trứ, TP Huế) triển lãm tranh “Gà Đinh Dậu đậu nóc dinh”, giới thiệu 32 bức tranh của 19 tác giả lấy hình tượng con gà làm chủ đạo…

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top