Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:50:28

Tăng cường phòng chống thông tin giả trên không gian mạng

Ngày đăng: 14/10/2019

QK2 – Với 65 triệu người sử dụng Internet, chiếm gần 70% dân số, đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn với sinh hoạt, học tập, lao động của hầu hết người dân. Bên cạnh những lợi ích to lớn từ Internet, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa đến quốc phòng, an ninh đất nước. Trong đó, phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc được lan truyền trên mạng cũng như vấn nạn tin giả.

Chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 174 luyện tập sử dụng thiết bị trinh sát điện tử bảo vệ ANCT tại đơn vị.

Tại hội thảo mới đây tại Hà Nội, đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) nhận định, vấn nạn tin giả hiện nay đang gây “nhức nhối”, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt người dân. Trên thực tế, hàng loạt vụ việc đăng tải thông tin giả mạo thời gian qua đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, gần đây nhất là sự ra mắt của mạng xã hội “Made in Vietnam” Lotus, ngay sau khi mạng xã hội ra mắt, đã có nhiều kẻ tung tin bình luận, coi đây chỉ là mạng dành cho một số lãnh đạo quốc gia Việt Nam. Trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cư dân mạng không phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Ngay cả những thông tin chính thức đề cập tình hình phức tạp trên Biển Đông những ngày qua, cũng bị các đối tượng bóp méo, xuyên tạc, gây nhiễu dưới danh nghĩa những người có trách nhiệm tỏ thái độ “nóng lòng” trước vận mệnh đất nước. Thâm hiểm hơn nữa, họ đăng tải những bình luận sai lệch về quan điểm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước hòng lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ cả tin tổ chức biểu tình, bạo loạn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như đã từng xảy ra ở một số địa phương.

Trước mối đe dọa “thật” của nạn “tin giả”, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã đưa ra những chế tài nghiêm khắc, trong đó quy định cấm các “thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6-2019, Facebook đã gỡ 201 tài khoản cá nhân giả mạo; 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc, kích động chống phá nhà nước; 2.444 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; 215 fanpages về game cờ bạc, đổi thưởng. Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 7.192 video vi phạm trên YouTube; ngoài các video riêng lẻ, Google đã gỡ bỏ 15/62 kênh YouTube, trong đó đặc biệt có 1 kênh YouTube có tên là tin tức hằng ngày bao gồm 501 video. Google đã gỡ 58/63 game bài; Apple đã gỡ 7/15 game không phép).

Thời gian tới là thời gian trọng điểm, các cấp ủy Đảng đang làm mọi công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là dịp các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng triệt để chống phá, gây nhiễu công cuộc đổi mới của Đảng ta. Hiện nay đã xuất hiện thêm những tài khoản mạng xã hội liên tục đưa thông tin nói xấu bằng những tài liệu giả mạo, hình ảnh cắt ghép về công tác cán bộ và cá nhân nhiều vị lãnh đạo các cấp. Với ý đồ gây mâu thuẫn nội bộ, tạo sự nghi kỵ, hiềm khích trong cơ quan, đơn vị, địa phương, những đối tượng này thường suy diễn, xuyên tạc kết quả xử lý cán bộ, đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để “thổi bùng” bức xúc xã hội, khoét sâu những sai phạm, khuyết điểm… gây hiểu lầm trong nhân dân.

Internet không phải là một tờ báo, càng không phải là một nhà xuất bản chính thống, nên tất cả những tin tức trên đó sẽ không ai phải chịu trách nhiệm. Nhưng không có nghĩa là chúng ta chấp nhận với nạn "tin giả" xuất hiện ngày càng tăng trên không gian mạng. Thực tế, những kẻ tung tin phản động đất nước, tin giả về dịch bệnh, thảm họa thiên tai hay những tin giật gân, gây sốc, kích động… đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Người dân có quyền tiếp cận thông tin và nhà nước không giới hạn quyền đó, nhất là việc thu nạp thông tin trong môi trường mạng. Tuy nhiên, tiếp cận thế nào để có được những thông tin chính xác, trung thực, bổ ích đòi hỏi mỗi người cần có sự tỉnh táo. Và các cơ quan báo chí chính thống, cơ quan chức năng cũng cần xử lý kịp thời để định hướng thông tin, định hướng dư luận và cung cấp những thông tin mà người dân quan tâm.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT Quân khu cần thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa bàn đóng quân, nhất là nắm bắt thông tin trên không gian mạng xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, không để quân nhân thuộc quyền, đồng chí, đồng đội bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, loan truyền những thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.