Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 06:00:20

Bài 3: Theo chân người đào đá

Ngày đăng: 12/08/2019

QK2 – Mất gần hai giờ luồn rừng theo lối mòn, chúng tôi đi từ thôn Chính Quân mới lên được bãi Bưởi, nơi người dân địa phương còn gọi tên khác là “bãi tiền tỷ”. Thực chất đây là khu vực lòng chảo rộng chưa đến 4.000m2. Khi chúng tôi lên đến nơi, bãi đất này đã bị đào xới tan hoang. Từng gốc cây, hốc đá đều bị xới tung, khoét sâu xuống từ 2 đến 3m. Có thể nói, khu bãi Bưởi người ta đào xới không bỏ sót một mét vuông đất nào. Ngày chúng tôi lên núi, việc đào đá quý không còn diễn ra công khai. Bởi trước đó UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Lục Yên đã có văn bản cấm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Các cơ quan chức năng của huyện, xã tích cực tuyên truyền vận động người dân xuống núi không khai thác. Lực lượng Công an huyện Lục Yên đã vào cuộc, lên núi truy đuổi, lập biên bản, nhắc nhở những trường hợp cố tình đào đá quý trái phép. Sau một hồi đi khắp bãi Bưởi, chúng tôi gặp gần ba chục người đang lén lút đào đá với đủ các lứa tuổi, có cả phụ nữ và trẻ em gái.

Người dân đào hố sâu 2-3 m để tìm đá quý.

Trong một cái hốc nhỏ vừa đủ một người len vào, chúng tôi bắt chuyện với một nam thanh niên:

– Đã đào được viên nào chưa?

– Đào gần hai tuần mà chưa được viên nào. Mong được một viên để nghỉ.

– Có thấy ai đào được viên to ở đây không?

– Thì người ta cứ vác đá xuống, thương lái dưới núi mua. Đồn thổi được cả tiền trăm triệu, nhưng thực chất cũng chỉ được vài triệu thôi.

– Biết vậy, sao vẫn mất công đào?

– Đây là “bãi tiền tỷ” mà, biết đâu vớ được một viên là đổi đời.

Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi biết tên của thanh niên đó là Hoàng Văn Quê, ở xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Quê vừa tốt nghiệp lớp 12, hiện chưa có dự định đi học tiếp. Cũng giống như Quê, Hoàng Kim Toán hay nhiều người khác chúng tôi gặp, họ đều nói lên núi đào đá vì sức hút của những tin đồn và cũng bởi họ không có việc làm ổn định.

Đến gần trưa, men theo các lối mòn, chúng tôi gặp từng tốp người đi đào đá. Họ ra các bãi đất rộng ngồi nghỉ ngơi, tổ chức nấu ăn. Như vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ráo riết tuyên truyền kết hợp xử lý buộc chấm dứt đào đá quý trái phép, nhưng lượng người lén lút đào vẫn còn khá đông. Lân la hỏi chuyện, một thanh niên nói với chúng tôi: “Không những đào ban ngày mà các chủ lò còn tổ chức đào cả ban đêm nữa”. Chủ lò là những người đến trước, đánh dấu tự nhận chủ quyền của phần đất. Từ câu chuyện với nam thanh niên đã mở đường cho chúng tôi đi tìm hiểu thêm sự việc khác.

Sau một thời gian chắp nối các mối liên hệ, chúng tôi làm quen được với chủ lò tên Ngô Trung T. là người dân địa phương, đã có thời gian dài lăn lộn đào đá ở các bãi trong huyện Lục Yên. Gặp chúng tôi, T. cho biết: Anh đào nhiều bãi, chưa bãi nào đá đẹp như ở bãi Bưởi. Nhìn màu đá thấy mê hồn. Vẻ đẹp mê hồn của những viên đá không mang cho T. hiện thực giấc mơ đổi đời mà ngược lại. “Trong đợt “sốt” đá vừa rồi, anh kiếm được nhiều không?”, chúng tôi hỏi. “Chung mấy viên, chẳng được đồng nào, mất vài chục triệu đồng. Vậy mới phải cố đào để gỡ chút vốn. Ban ngày bị đuổi thì tổ chức cho anh em đào vào đêm”-T. trả lời.

Qua lời giới thiệu của T. và thông tin từ một số người dân, chúng tôi được biết, không chỉ T. mà còn nhiều nhóm thanh niên khác tổ chức đào đêm. Để thực mục sở thị nhóm người đi đào đá đêm, khoảng 17 giờ, chúng tôi đến cuối con đường mòn thôn Chính Quân. Tại đây, chúng tôi gặp vài chục người cứ chia nhỏ theo tốp hành quân lên núi. Vật dụng mang theo chủ yếu là ba lô để đựng đá, nước uống. Họ mang theo cả cá, thịt, gạo.

Bài, ảnh: HÀ BÁCH – VŨ THƯ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.