Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 11:50:10

Tấm lòng “lương y” của người không phải thầy thuốc

Ngày đăng: 16/05/2019

QK2 – Khi gán danh hiệu “lương y” cho ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát triển y học Việt huyện Đoan Hùng, Phú Thọ thì người đàn ông ấy từ tốn khước từ: “Lương y là danh hiệu cao quý. Mình chỉ làm ở lĩnh vực y học thôi, không phải thầy thuốc, không có chuyên môn nhưng mình nghĩ, làm việc gì cũng vậy, phải có tâm với nghề và mong muốn các thầy thuốc trong cơ sở của mình rèn giũa, nâng cao trình độ và tấm lòng của những lương y”.

Các con của bà Nguyễn Thị Hồng đang chăm sóc bố được điều trị miễn phí tai Bệnh viện Hùng Vương.

Câu chuyện về sự hồi sinh của trái tim ngừng đập 

Bệnh nhân cũng như khách có dịp đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Đoan Hùng – Phú Thọ), đi dạo trong khuôn viên hẳn sẽ được hưởng những không gian thanh bình như ở một công viên bình lặng nào đó. Giữa những tiểu cảnh, non bộ, biểu tượng chú gà trống, con trâu… là vài chiếc ghế đá in tên “Bệnh nhân Mai Thị Liễu, Yên Sơn, Tuyên Quang kính tặng”. Nhiều người nghĩ, chắc đây là bệnh nhân “đại gia” tri ân Bệnh viện. Bà Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ phụ trách công đoàn Bệnh viện giải thích, đúng là của bệnh nhân Liễu tri ân Bệnh viện, nhưng đó không phải đại gia, mà là một nông dân bình thường.

Câu chuyện được mọi người nhắc lại như sau.

Chị Mai Thị Liễu, sinh năm 1982 ở Yên Sơn, Tuyên Quang vào Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 13 tháng 5 năm 2018 trong tình trạng dị ứng đỏ da, mặt phù nề, cảm giác luôn bồn chồn, khó chịu và những triệu chứng đó tăng dần. Trước đó, chị Liễu bị viêm loét dạ dày, đã dùng hỗn hợp thuốc chữa bệnh. Ngay lập tức chị được khám, xét nghiệm, kết quả cho thấy chị bị suy đồng thời 5 tạng và được chẩn đoán sốc phản vệ các loại thuốc đã dùng. Chị được các bác sỹ chỉ định dùng các thuốc chống dị ứng. Sau 3 ngày, tình trạng không những không cải thiện mà dần rơi vào hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn máu. Tim chị đã ngừng đập đến mấy lần phải dùng biện pháp tích cực.  

Được báo cáo ca bệnh diễn biến bất thường, đe dọa tử vong, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cả ban lãnh đạo cùng đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện vào cuộc, đồng thời trực tiếp gọi điện xin hỗ trợ của giáo sư đầu ngành về hồi sức, GS.TS Nguyễn Gia Bình – Bệnh viện Bạch Mai, sau đó vừa thực hiện các biện pháp cấp cứu, vừa chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Cùng lúc đó, đội cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cũng lên đường và gặp nhau tại nút giao IC9, cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Hai kíp chuyên môn hội chẩn trên xe cứu thương và hộ tống bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai. Trong quá trình điều trị, quả tim chị Liễu ngừng đập, các bác sĩ đã duy trì sự sống cho chị bằng phương pháp tuần hoàn ngoài cơ thể. Trong 5 ngày ấy, chỉ số máy đo điện tim luôn là đường thẳng.

Đến ngày thứ 6, điều thần kỳ đã xảy ra. Quả tim ấy bắt đầu hoạt động trở lại, nhịp tăng. Siêu âm thấy tim bắt đầu co bóp, tuy vẫn còn suy đa tạng. Bệnh nhân tiếp tục được thực hiện tuần hoàn ngoài và lọc máu liên tục, thở máy, truyền các chế phẩm máu, kháng sinh, duy trì thuốc chống đông… Khoảng 20 ngày sau, bệnh nhân hết suy đa tạng và bắt đầu tập hồi phục chức năng và được xuất viện sau gần 2 tháng điều trị.

Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, trong suốt hơn 40 năm làm nghề, ông chưa từng gặp ca bệnh nào ngừng tim liên tiếp 5 ngày và suy đa tạng mà vẫn có thể hồi phục kỳ diệu như trường hợp bệnh nhân Liễu. Trước đây, chỉ cần suy cùng lúc 5 tạng đã gần như 100% tử vong.

Suốt gần hai tháng chị Liễu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hùng Vương vẫn coi như người bệnh của mình, cử y, bác sỹ tham gia túc trực, điều trị và hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị. Hàng ghế đá lưu tên chị Liễu tại khuôn viên như một lời tri ân của một bệnh nhân nghèo được những tấm lòng lương y nơi đây tái sinh ra. Câu chuyện hồi sinh trái tim của chị Liễu như một “sự kiện y học” được nhiều cơ quan báo chí, tác phẩm văn học nghệ thuật nhắc đến.

Suất lương cho người đã khuất     

Câu chuyện trả lương cho một nhân viên của Bệnh viện đã từ trần được ông Phạm Văn Học giấu kín gần 5 năm, nhưng trong một hoạt động từ thiện, nhân đạo ở khu vực mà ông là đại biểu, trong niềm xúc cảm của người có trái tim đa cảm, ông đã hé lộ.

“Có phải Bệnh viện đã vi phạm quy định của pháp luật trong việc trả lương  cho người đã mất?” – Khi chúng tôi hỏi, ông Học lý giải: “Tôi từng có hai chục năm công tác ở cơ quan tư pháp, tôi hiểu trả lương cho người không còn thực trên đời, không đóng góp sức lao động là vi phạm pháp luật về thuế, về bảo hiểm xã hội. Chính vì thế, chúng tôi phải giải trình và được cơ quan chức năng chấp thuận.

Đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Hồng, vốn là y sĩ đã nghỉ hưu. Còn sức khỏe, còn tình yêu nghề và yêu cầu “cơm, áo, gạo, tiền” lo cho gia đình. Con gái lớn của bà là Nguyễn Khánh Huyền khi ấy đang học năm thứ hai đại học, còn cậu con trai Nguyễn Việt Hưng mới vào trung học phổ thông. Chồng bà Hồng là ông Nguyễn Văn Nghĩa bị bệnh kinh niên, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Bà Hồng được ban lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận vào làm việc.  

Được khoảng vài năm gắn bó với Bệnh viện, một lần đi giải quyết việc gia đình, bà Hồng bị tai nạn kinh hoàng và tử vong. Ông Học chia sẻ: “Mặc dù đối với Bệnh viện, bà Hồng chưa phải là nhân viên có đóng góp nhiều, nhưng chúng tôi tự thấy có trách nhiệm lo cho hoàn cảnh ấy. Chồng bị bệnh, hai đứa con đang tuổi ăn học sẽ trở nên bơ vơ, thất học vì không còn nguồn nuôi. Vì vậy, ban lãnh đạo bệnh viện đã bàn bạc, thống nhất, vẫn duy trì mức lương hơn ba triệu hằng tháng, coi là tiền lương cho bà Hồng để duy trì học tập cho các cháu. Lý do ấy khiến các cơ quan chức năng cũng phải động lòng và đó là lý do cơ quan xé rào pháp luật…”.

Y, bác sĩ Bệnh viện thăm, khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn Nghĩa .

Suất lương hơn ba triệu đồng hằng tháng hỗ trợ cho chị em Huyền – Hưng ăn học từ giữa năm 2015 đến nay. Huyền đã tốt nghiệp đại học và đi làm, còn Hưng tiếp tục theo học lớp Điều dưỡng của Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai. Hưng được bố trí ở miễn phí trong ký túc xá (là cơ sở của bệnh viện Hùng Vương dành cho cán bộ, nhân viên học tập, công tác tại Hà Nội). Bố của Huyền – Hưng khi lên cơn bệnh trọng cũng được đưa đến Bệnh viện Hùng Vương khám, điều trị nội trú miễn phí.

Trong khi chăm sóc bố ở khoa nội của bệnh viện, Nguyễn Khánh Huyền tâm tình: “Chị em cháu phấn đấu học tập để đủ điều kiện về bệnh viện làm việc bởi đây là ngôi nhà bao bọc, nuôi dưỡng chúng cháu…”

Lương duyên với “lương y” và “sự tử tế”  

Lâu nay, người dân quanh vùng cũng như bệnh nhân không biết đến cái tên giao dịch: “Công ty Phát triển y học Việt huyện Đoan Hùng, Phú Thọ” mà người ta chỉ biết đến cái tên “Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ” hay đơn giản là “Bệnh viện Hùng Vương”. Sau khoảng 9 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện đã trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy của người nhân trên địa bàn. Bệnh viện đã đầu tư và đưa vào sử dụng trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ như: Máy chụp cộng hưởng từ tầm soát bệnh lý về tim mạch, ung thư, máy chụp CT-Scanner 128 dãy, máy đo loãng xương, hệ thống máy C-ARM, hệ thống máy siêu âm 4D… Khu điều trị 6 tầng với đầy đủ tiện nghi, phục vụ tốt nhất công tác điều trị. Bệnh viện có 566 cán bộ, nhân viên và gần 500 giường bệnh, 100 bác sĩ, 255 điều dưỡng viên, 15 dược sỹ, 11 bác sĩ nội trú, bệnh viện đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, cần mẫn khám chữa bệnh. Theo thống kê, năm 2018, bệnh viện đã thực hiện 4.450 ca phẫu thuật; có tới 143.780 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Lượng điều trị nội trú thường xuyên trên 300 bệnh nhân, như vậy, hằng ngày trung bình tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân đến khám, điều trị và khoảng 13 ca phẫu thuật. Một con số đáng nể đối với một cơ sở y tế mang tính chất xã hội hóa còn non trẻ.

Tìm hiểu về bí quyết tạo nên niềm tin, chúng tôi được biết, không chỉ là cơ sở vật chất khang trang, tiện ích, bệnh nhân đên đây được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đầy đủ, đội ngũ y bác sĩ rất nhiệt tình, giải thích rất rõ ràng, chất lượng khám chữa bệnh cao, giá cả khám chữa bệnh không cao hơn so với những bệnh viện công lập, thậm chí nếu khám chữa dịch vụ  thấp hơn, lại tiện đường đến từ các tỉnh lân cận. Trong quá trình khám, điều trị, bệnh viện tiết kiệm chi phí cho người bệnh bằng cách tận dụng công năng máy móc hợp lý, hiệu quả.

 Phòng làm việc của ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty (Bệnh viện) mang dáng dấp của một ông chủ doanh nhân hơn là một lương y. Cũng đúng bởi khi đọc và ấn tượng với số liệu mà bệnh viện đã phục vụ, chúng tôi gán danh hiệu “lương y” cho ông thì người đàn ông ấy từ tốn khước từ: “Lương y là danh hiệu cao quý. Mình chỉ làm ở lĩnh vực y học thôi, không phải thầy thuốc, không có chuyên môn nhưng mình nghĩ, làm việc gì cũng vậy, phải có tâm với nghề và mong muốn các thầy thuốc trong cơ sở của mình rèn giũa, nâng cao trình độ và tấm lòng của những lương y”.

Ông chia sẻ, bản thân không học quản trị kinh doanh và có 20 năm gắn bó với nghề pháp luật. Chính vì thế, ông được chứng kiến nhiều điều đáng tiếc trong các vụ tai nạn thương tích. Nếu nạn nhân được cấp cứu đúng cách, kịp thời thì sẽ thoát khỏi nguy hiểm. Gia đình người thân của ông, trong đó có những người thân sinh, nếu được sự chăm sóc kịp thời, đúng cách thì các cụ có lẽ còn kéo dài thêm được sự sống. Tất cả những điều đó thôi thúc ông phải làm cái gì đó về sức khỏe con người. Năm 2008, ông bắt đầu triển khai ý tưởng thành lập bệnh viện.

Là doanh nhân, là người đứng đầu cơ sở y tế, dù chưa tốt nghiệp ngành y, dược nhưng ông Học tâm niệm về vai trò người đứng đầu không chỉ ở trình độ chuyên môn. Lời nói của người đứng đầu luôn phải song hành với việc làm. Ông bảo: “Nếu mình không đối xử tử tế với nhân viên thì sẽ không thể đòi hỏi họ đối xử tử tế với bệnh nhân. Mặt khác, mình nói rằng mình đối xử tử tế với nhân viên nhưng nhân viên lại không đối xử tử tế với người thân của họ cũng như cộng đồng thì mình cũng chưa phải người tử tế”. 

Ông Phạm Văn Học tặng quà cho đối tượng chính sách trong Chương trình khám chữa bệnh từ thiện của bệnh viện Hùng Vương.

Theo ông Học, suốt hơn 10 năm qua, song song với việc đào tạo giáo dục để rèn luyện đội ngũ tinh nhuệ về chuyên môn thì Ban giám đốc luôn luôn quan tâm đến rèn luyện và giáo dục đạo đức, để họ hiểu đầy đủ nhất những cái gì thuộc về y đức, những cái gì thuộc về lương tâm và những câu chuyện xảy ra trong bệnh viện, ngay cả những việc làm từ thiện, nhân đạo cũng phải xuất phát từ chính lương tâm của mình. Câu chuyện mình trả lương cho nhân viên đã khuất là một ví dụ.

 Câu chuyện khác cũng tương đối “lạ” ở Bệnh viện Hùng Vương. Những bệnh nhân đến viện trong tình trạng bệnh quá nặng không cứu chữa được hoặc có trường hợp tử vong ngoài viện rồi nhưng người đưa đi cấp cứu không biết thì khi tới bệnh viện, nếu đã mất thì bệnh viện làm hai việc tối thiểu theo nghi thức, phong tục là miễn phí toàn bộ chi phí cho việc cấp cứu, cho dù ngắn hay là dài, ít hay nhiều; việc thứ hai là có một chiếc xe dành riêng cho việc đưa nạn nhân từ bệnh viện về nhà miễn phí. Mỗi vụ chi phí chừng dăm, ba triệu, nhưng nếu số vụ là hàng trăm thì chi phí cộng lại không nhỏ. Khi đã đạt được đồng thuận trong cán bộ, nhân viên thì tất cả đều cảm thông, chia sẻ và cảm thấy rất hài lòng, từ đó trở thành phong trào làm việc tử tế trong bệnh viện.

Có lẽ đấy là chất keo kết dính mà khi tiếp xúc với cán bộ, nhân viên, chúng tôi cảm nhận được tình cảm, sự gắn bó với bệnh viện và yêu mến, quý trọng ông Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nếu không có việc riêng, gia đình, họ tự nguyện làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ. Nếu gia đình ở xa, họ được cơ quan miễn phí nơi ăn, ở. Cũng từ mạch nguồn ấy, Bệnh viện đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích trong giai đoạn 2013-2017. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tặng Bằng khen thành tích trong chỉ đạo, phối hợp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 2017-2018 cùng nhiều danh hiệu, bằng giấy khen của các cấp.

ĐỨC ĐÀO  – TRƯỜNG DŨNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.