Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 06:24:49

Sức sống mới ở Đèo Ảng

Ngày đăng: 23/12/2020

Phải đi qua một cái cổng đá lớn lại thêm mấy tầng dốc nữa mới vào được đến thôn Đèo Ảng. Cái cổng đá giống như một ngưỡng cửa đi vào một vùng đất khác, thôn cao nhất của xã Bình Xa (Hàm Yên) với rất nhiều trụ đá, mầm đá. Nơi đây có 49 hộ đồng bào Dao sinh sống. Những năm trước đây Đèo Ảng khá biệt lập lại là thôn khó khăn nhất của xã. Thế nhưng giờ đây Đèo Ảng đã có diện mạo mới, đời sống của bà con đi lên nhờ tinh thần đoàn kết và sự lãnh đạo của chi bộ.

Đổi thay nhờ nông thôn mới

Đến thôn Đèo Ảng chúng tôi khá bất ngờ bởi sự đổi thay của thôn khác xa những gì mà trước đây chúng tôi đã từng đến. Đèo Ảng giờ đây là một vùng đất trù phú với bạt ngàn mía trồng hai ven đường, thấp thoáng sau những rặng mía là những ngôi nhà xây bề thế. Thấy chúng tôi tấm tắc khen ngôi nhà đẹp, anh Lý Văn Khoa chủ một ngôi nhà 2 tầng mới xây to đẹp chỉ về phía trong thôn bảo: “Trong thôn cũng có nhiều nhà to đẹp như nhà mình mà. Thôn mình còn có Nhà văn hóa to nhất xã đấy”. Quả thực Đèo Ảng đã “thay da, đổi thịt”, đời sống của người dân không còn khó khăn, hệ thống giao thông được bê tông hóa đã khép kín, đến từng hộ dân, không còn những ngôi nhà tạm mà thay vào đó có rất nhiều nhà kiên cố, to đẹp.


Chị Lý Thị Hằng, Bí thư Chi bộ thôn Đèo Ảng vừa thu hoạch vụ ngô mới.

Kể từ khi thôn Đèo Ảng cùng với các thôn khác của xã Bình Xa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đã tạo cho Đèo Ảng một khí thế mới. Những người đảng viên là những người tạo nguồn động lực để bà con chung tay chung sức kiến thiết thôn bản mình. Chị Lý Thị Hằng, Bí thư Chi bộ thôn Đèo Ảng chia sẻ, khi tiếp nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới, chi bộ đặt ra quyết tâm rất cao, đồng thời xác định lấy đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là giải pháp quan trọng nhất để lãnh đạo bà con thực hiện. Chi bộ xác định rõ các khâu đột phá theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn là những tiêu chí cần đạt với phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Căn cứ vào đó, mỗi đảng viên đều xây dựng cho mình kế hoạch việc làm theo rõ ràng, cụ thể như: vận động các hộ dân hiến đất làm đường, tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa, cải tạo vườn tạp, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi…

Thuận lợi nhất là khi thôn được Nhà nước hỗ trợ làm đường, bà con trong thôn đều rất vui mừng sẵn sàng hiến cả nghìn mét vuông đất. Có đường rồi thôn thực hiện chủ trương chuyển đổi phá bỏ vườn tạp, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía, trồng cây ăn quả. Tất cả 9 đảng viên trong chi bộ đều là những người đi đầu thực hiện đồng thời vận động bà con làm theo. Những vụ mía đầu tiên trên đất Đèo Ảng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cả thôn có tới hàng chục ha đất trồng mía, cuối năm nhà nào cũng thu về mấy chục triệu đồng, điều mà trước đây ít hộ có được món tiền lớn như vậy. 

Tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân

Hoàn thành nông thôn mới rồi nhưng khí thế ở Đèo Ảng chưa lúc nào trầm xuống, năm nào chi bộ cũng nghĩ ra việc để làm. Khi thì làm đường bê tông vào nhà các hộ gia đình, khi thì đường nội đồng, mỗi năm một ít, đến nay thôn có trên 3 km đường bê tông. Đi họp xã về, Bí thư Chi bộ thôn Lý Thị Hằng nói với bà con rằng, phải tranh thủ được sự hỗ trợ của tỉnh về xi măng, về ống cống, bà con mình làm được càng nhiều thì càng tốt. Vậy là bà con lại làm thêm cả 500 m đường vào ruộng mía, làm được gần 1 km làm kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Cánh đồng 6,2 ha đất 1 vụ của thôn nay đã trở thành ruộng 2 vụ. Hộ gia đình anh Lý Văn Hùng nằm sâu nhất trong thôn năm nay cũng đã có đường bê tông đi lại thuận lợi. Được chi bộ quan tâm vận động cộng thêm sự đóng góp giúp đỡ của bà con trong thôn, vậy là con đường bê tông rộng dài 200 m từ nhà anh Hùng ra đến đường trục của thôn đã hoàn thành. Công trình xây dựng đó thực sự nhiều năm trước đây nằm ngoài trí tưởng tượng của vợ chồng anh Hùng.


Gia đình chị Lường Thị Tươi, thôn Đèo Ảng duy trì trên 300 gà ta.

Trăn trở lớn nhất đối với chị Hằng cùng với chi bộ thôn là làm thế nào để kinh tế thôn ngày càng phát triển. Những gì lợi thế của thôn đều được tận dụng tối đa, đem lại nhiều nguồn lợi cho bà con như trồng rừng, trồng mía, cây ăn quả. Chăn nuôi gà là một lợi thế lớn của thôn do đặc điểm ruộng vườn liền nhà, đồng thời nguồn thức ăn ngô cho gà thì sẵn có. Gà của Đèo Ảng nổi tiếng khắp vùng, vừa to vừa ngon. Với lợi thế này, chị Hằng đề xuất với xã thành lập Hợp tác xã Gà thiến Bình Xa. Hiện HTX có 14 thành viên tham gia, sản phẩm Gà thiến Bình Xa được xã lựa chọn là sản phẩm đại diện của xã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Chị Hằng cho biết, ở đây nhà nào cũng nuôi tới hàng trăm con gà đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Nhà chị cũng là thành viên HTX với tổng đàn trên 300 con. Khi gà Bình Xa có thương hiệu thì giá gà cũng cao hơn trước khá nhiều. Để khuyến khích phát triển, vừa qua, các thành viên HTX đã được Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để mua giống và thức ăn ban đầu.

Gia đình chị Lường Thị Tươi là một trong những thành viên của HTX Gà thiến Bình Xa, mỗi năm xuất chuồng trên 2 tấn gà, hiện trong vườn nhà nuôi tới trên 300 con gà to trung bình từ 2 đến 4kg/con chưa tính hàng trăm con gà con kế đàn. Vốn từ một hộ nghèo trong thôn, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Chị Tươi tâm sự, mấy năm nay tiền bán mía, bán gà, bán trâu dành dụm lại được mấy trăm triệu, dự kiến sang năm 2021, gia đình chị sẽ xây nhà mới và xin thoát hộ cận nghèo.

Từ một bản vùng cao còn nhiều khó khăn, nhờ có sự lãnh đạo kịp thời, hiệu quả của Chi bộ Đảng đã tạo nên sức mạnh đoàn kết đồng lòng của bà con nhân dân vượt qua khó khăn vươn lên trở thành bản vùng cao trù phú, giàu bản sắc văn hóa. Chi bộ thôn Đèo Ảng trong 3 năm trở lại đây đều được Đảng ủy xã đánh giá là Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân chị Hằng là một trong những cá nhân điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện Hàm Yên.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.