Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 03:04:04

“Sức hút” cuối hội trường

Ngày đăng: 18/09/2018

QK2 – Hội trường cơ quan X rộng rãi, thoáng đẹp và khá đầy đủ tiện nghi, là nơi thường xuyên diễn ra các hội nghị sinh hoạt, học tập, hoạt động văn hóa văn nghệ của cơ quan.

Mỗi dịp tổ chức hội nghị, ban tổ chức hoặc đại diện cơ quan điều hành thường dành một hoặc hai hàng ghế đầu để thủ trưởng cơ quan và đại biểu cấp trên ngồi, còn lại tùy theo số lượng người dự mà điều hành vị trí ngồi hợp lý, đảm bảo kín chỗ từ trên xuống dưới. Công việc này tuy đơn giản nhưng trên thực tế việc điều hành, nhắc nhở dồn chỗ ngồi lên trên lại khá là vấn đề đáng bàn.

Hội nghị học tập lý luận tại chức của cơ quan hôm ấy không có đại biểu trên xuống dự, thành phần gồm toàn thể cán bộ nhân viên cơ quan. Do trùng lịch, thủ trưởng cơ quan cùng một số cán bộ đi công tác vắng nên chỗ ngồi trong hội trường trống khá nhiều. Đại diện ban tổ chức lên bục điều hành. Anh phổ biến rõ, hôm nay thủ trưởng bận việc, lại không có đại biểu cấp trên dự, để đảm bảo đội hình học tập gọn, đảm bảo duy trì nền nếp học tập, đề nghị tất cả mọi người ngồi kín từ trên xuống dưới.

Tuy nhiên, dường như lời của người đại diện ban tổ chức như “gió thoảng bên tai”. Khá nhiều người vào hội trường đều đảo mắt tìm vị trí ngồi từ phía cuối hội trường. Người tổ chức hô hào khá nhiều mà không dồn dịch được đội hình, thành thử cận giờ lên lớp, phía trên hội trường ghế trống còn nhiều, trong khi đó phía cuối thì xúm xít, đội hình dự hội nghị “lỗ mỗ xôi đỗ”, trông chẳng ra sao.

Giảng viên hôm ấy là một cán bộ đứng tuổi, kỳ cựu trong nghề, có học vấn cao, được mọi người trong cơ quan nể trọng nên đã dành vài phút để chấn chỉnh đội hình. Ông nói, đây là nội dung ngoài lề của hội nghị hôm nay, nhưng là biểu hiện rất xấu của văn hóa công sở, thể hiện sự thiếu cầu thị, thiếu ý thức trách nhiệm của mọi cán bộ, nhân viên, nền nếp của cơ quan X chúng ta. Nếu có đại biểu trên và cơ quan, đơn vị khác đến cùng dự thì thật đáng xấu hổ cho nền nếp văn hóa của cơ quan. Những người vào hội trường chỉ chăm chăm ngồi phía cuối hội trường là những người sợ phát biểu, thích điện thoại, nói chuyện riêng, làm việc riêng, hoặc lợi dụng tụt tạt giữa giờ. Nếu đội hình không tự dồn dịch thì ông sẽ không giảng…

Lời của người giảng viên ấy dường như tác động trực tiếp vào tập thể. Người người nhích dần lên, sau năm phút thì kín chỗ ba phần tư hội trường từ trên xuống dưới.

Được biết, câu chuyện “sức hút cuối hội trường” hôm ấy đã đến tai thủ trưởng cơ quan, thủ trưởng nhắc nhở, phê bình gay gắt và trở thành chủ đề nhiều lần trong giao ban, hội ý và sinh hoạt các tổ chức. Từ sau hội nghị học tập tại chức ấy, hiện tượng “sức hút cuối hội trường” không còn là phổ biến nữa, không vất vả cho người làm công tác tổ chức, cơ quan nền nếp hẳn.

XÂY DỰNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.