Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 08:59:37

Sứ mệnh giúp dân thoát nghèo

Ngày đăng: 16/09/2019

QK2 – Sau 20 năm thành lập, đứng chân trên vùng biên giới cực Tây Tổ quốc, Đoàn KT-QP 379 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần không nhỏ tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, triển khai các chương trình, dự án, xóa đói giảm nghèo cho các đồng bào dân tộc. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân gần 40 xã biên giới đã cải thiện rất nhiều. Sự thay da đổi thịt của một vùng đất biên giới xa xôi, rừng núi hiểm trở thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của những người lính. Như câu nói của người dân nơi đây, các anh là những người làm tròn sứ mệnh mang “chiếc cần câu thoát nghèo” cho đồng bào, xây dựng vùng đất cực Tây Tổ quốc trở thành phên giậu vững chắc biên giới.

Bài 1: Những ngày đầu gian khó

 

Từ thành phố Điện Biên vượt gần 300km, chúng tôi đến huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé. Suốt hành trình dài, cảnh vật, bản làng đổi thay nhiều. Những ngôi nhà bê tông cốt thép mới được xây dựng thay cho những nhà tranh vách đất. Ruộng lúa nước san sát, thay thế dần những nương lúa bậc thang nằm cheo leo lưng chừng núi. Và niềm vui nhất là những con đường đã thay màu áo mới. Không còn là những đoạn đường đất lầy lội mà cơ bản đã được phủ nhựa, xe chạy bon bon. Chỉ dăm năm về trước, khi Điện Biên hứng chịu trận lũ lịch sử, cây cầu Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ bị lũ cuốn trôi, chúng tôi đi từ thành phố Điện Biên vào Nà Hỳ phải đi mất mấy ngày, vì đường lầy lội, cheo leo, có đến mấy chục điểm sạt lở núi.

Cán bộ Đoàn KT-QP 379 hướng dẫn người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé kỹ thuật chăn nuôi vịt.

Ôn lại câu chuyện cũ với Đại tá Nguyễn Văn Huân, Chính ủy Đoàn KT-QP 379, anh tươi cười chia sẻ: “Những năm gần đây, được sự đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Đoàn KT-QP 379 phối hợp với chính quyền địa phương đã làm mới, mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường giao thông chính. Huyết mạch giao thông được nối liền, cuộc sống người dân vùng cực Tây mới có sự thay đổi đáng kể. Từ những năm thập niên 90, thế kỷ trước vùng đất này còn rất hoang sơ, khó khăn trăm bề”. Năm 1998, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở một vài địa phương xuất hiện diễn biến có xu hướng phức tạp. Đặc biệt là các thế lực thù địch ráo riết tiến hành các hoạt động tuyên truyền kích động đồng bào di, dịch cư tự do về các tỉnh phía Tây, giáp biên giới Việt- Lào, âm mưu thành lập “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị.

Trước diễn biến tình hình mới, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn Quốc phòng-Kinh tế Mường Chà (có phiên hiệu là Đoàn 22-12, tiền thân Đoàn KT-QP 379). Ngày ấy, khu vực hoạt động của Đoàn gồm các xã Mường Toong, Mường Nhé, huyện Mường Tè, tỉnh Điện Biên và xã Chà Cang, Chà Nưa, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) có diện tích tự nhiên 3.636,24km2. Tuy nhiên, địa hình khu vực đa số bị chia cắt bởi những dãy núi cao, sông suối. Khí hậu khắc nghiệt. Mùa đông hanh khô, giá rét. Mùa hè gió lốc kèm theo mưa đá, thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Địa bàn là nơi tụ cư và sinh sống của 13 dân tộc. Trong đó chủ yếu là dân tộc Mông (62,3%), Thái (16,7%), Hà Nhì (7,4%), Dao (3,13%), Khơ-mú (3,1%)… Mật độ dân số thấp, trung bình 15-16 người/km2. Hầu hết các xã chưa có điện, trường học, trạm y tế. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 65%. Tình trạng mù chữ và tái mù chữ phổ biến (hơn 70%).

Trong điều kiện an ninh, quốc phòng có diễn biến phức tạp, điều kiện kinh tế khó khăn, Đoàn KT-QP 379 có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi trên địa bàn chiến lược Tây Bắc; phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; tham gia thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, góp phần cùng nhân dân và các dân tộc từng bước xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: HÀ BÁCH – VŨ THƯ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.