Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:21:39

Sứ mệnh giúp dân thoát nghèo

Ngày đăng: 19/09/2019

Bài 2: Ký ức người đi vỡ đất

 

QK2 -Trong ký ức của những người lính “tiên phong mở đất", nơi đóng quân của Đoàn ngày ấy còn chưa chính thức có đường vào, mà chỉ là những lối mòn luồn theo khe núi, vực sâu, xuyên qua địa bàn các xã. Đi từ thị xã Lai Châu trước đây (nay là thị xã Mường Lay) vào có đường ô tô nhưng cũng chỉ đến Km45; còn từ Km45 đi bộ xuyên con đường mòn 40 cây số. Bà con cùng bộ đội chuyển hàng từ thị xã vào, tất cả là gùi, sang lắm thì có ngựa thồ.

Chúng tôi đến xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ gặp Trung tá Trần Ngọc Tâm, Đội trưởng Đội sản xuất và xây dựng cơ sở số 8, Đoàn KT-QP 379 có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nhiệm vụ kinh tế quốc phòng ở miền đất này. Anh Tâm kể: “Năm 2002, tôi đang công tác tại Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 thì nhận được quyết định điều động lên xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La công tác. Ngày ấy, đường từ sông Mã vào huyện Sốp Cộp vô cùng khó khăn. Mưa lũ bị chia cắt. Tôi phải đi từ thành phố Điện Biên lên. Mất hàng tuần trèo đèo lội suối. Trời mưa tầm tã, ba lô quân tư trang ướt hết. Vắt bám, cắn chi chít khắp người. Vào đến xã Mường Lèo, đôi chân tôi như khụy xuống. Đội sản xuất chưa có nhà ở, chúng tôi phải ở tạm nhà dân một năm”. Mảnh đất này, khi đó rất nhiều không, “không đường, điện, trạm…”. Một năm anh Tâm gần như mất liên lạc với gia đình. Viết 2, 3 lá thư về nhà và cũng có 2, 3 lá thư gia đình gửi lên nhưng không biết vì sao anh Tâm và gia đình đều không nhận được.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 379 giúp dân khắc phục sạt lở đất ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Với nhiều người dân lúc đó, hình ảnh bộ đội vừa gần gũi nhưng cũng có điều gì đó xa lạ. Họ ít giao tiếp, cởi mở trò chuyện. Để lấy cảm tình của người dân, hằng ngày anh Tâm cùng các đồng đội phải bắt đầu từ những việc nhỏ, thiết thực như học tiếng, đi trồng rau, tăng gia cùng dân. Hướng dẫn người dân cách ăn ở vệ sinh, phòng bệnh dịch. Có nhiều bản trong xã hầu như không có nhà vệ sinh. Người dân đi vệ sinh quanh nhà, nắng mưa mùi rất hôi thối, xuất hiện ổ dịch bệnh. Vận động hướng dẫn người dân làm nhà vệ sinh, anh Tâm và các đồng đội phải vận động bà con chặt tre. Các anh phải tự tay dựng nhà vệ sinh, làm mẫu cho các gia đình.

Ở vùng núi rộng lớn, dân cư thưa thớt, mỗi gia đình cách nhau vài quả núi, ruộng nương canh tác xa xôi. Đến gặp người dân đã khó, vận động họ thay đổi phương thức sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế là hành trình vất vả hơn nhiều. Trung úy QNCN Đặng Văn Khoa, nhân viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở số 8 bồi hồi khi nhớ lại, năm 2013, khi anh Khoa làm nhiệm vụ ở xã Na Tông, huyện Điện Biên: “Ngày đó, ở địa phương đa phần là người nghiện. Số hộ có súng tự chế rất nhiều. Vì vậy, khi đi dân vận chúng tôi thường đi cùng lãnh đạo xã, bản”. Thời điểm đó, vận động bà con rất khó. Có những bản ở xa như bản Sơn Tống B, tỷ lệ thiếu đói cao. Nước sinh hoạt cũng thiếu. Chủ yếu tắm khe suối nên đi những hộ ở xa, vài ngày không tắm. Ăn uống khắc khổ, anh em chủ yếu phải ăn mì tôm sống. Đi đường mệt, nhờ lãnh đạo địa phương giới thiệu vào nhà dân nghỉ tạm. Nhưng cũng chỉ vào những ngày tránh mưa, nhờ nhà dân trải tấm áo mưa xuống đất ngả lưng. Ngày nắng, mệt đâu nghỉ đấy khi vệ đường, khi thì gốc cây. Đặc sản vùng này, ruồi vàng, bọ chó, vắt nhiều, đi công tác bị ruồi, bọ đốt, cộng với đường xa thiếu đói, anh Khoa và các đồng đội ốm, sốt cũng là chuyện cơm bữa.

Gặp gỡ một số cán bộ, người dân ở huyện Nà Hì và huyện Mường Nhé chúng tôi được biết, vùng đất cực Tây khi ấy, nhà của người dân “toàn tạm”, lợp, thưng bằng tranh, tre, nứa, lá. Người dân chủ yếu từ nơi khác đến, nếp ăn uống, sinh hoạt còn mang nặng tính du canh du cư; hầu như không trâu bò; có gà lợn nhưng không chuồng trại; dùng que chọc lỗ tra hạt là chủ yếu. Bà con kiếm được gì ăn nấy; hàng hóa không lưu thông, có làm ra, săn bắt cũng không bán được bởi từ các bản xa về trung tâm xã cũng mất cả ngày đường, chuyện đứt bữa, thiếu gạo là thường xuyên. Muối mặn với bà con còn quý hơn vàng. Phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu. Việc cưới xin kéo dài đến vài ba ngày. Người ốm thì mời thầy mo đến nương hoặc về cúng tại nhà. Người chết để lưu vài ngày, thậm chí để hàng tuần mới đem chôn. Chỉ có đàn ông, con trai từ 20 tuổi đến 40 tuổi nói tiếng Kinh, còn con gái hầu như không biết nói tiếng Kinh, có biết lõm bõm cũng không dám tiếp xúc vì e dè, sợ.

Sẻ chia khó khăn cùng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 cũng gặp không ít khó khăn, thiếu thốn của đơn vị mới thành lập. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ quê dưới xuôi lên công tác. Xa gia đình, người thân, nhà cửa tạm bợ, điều kiện sinh hoạt, công tác từ con số không… Khó khăn là vậy, nhưng bằng bản lĩnh, ý chí và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người lính Đoàn KT-QP 379 đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu, phát huy nội lực và sức mạnh tập thể ổn định cuộc sống, đứng vững trên vùng kinh tế – quốc phòng cực Tây Tổ quốc.

Bài, ảnh: HÀ BÁCH – VŨ THƯ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.