Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 01:26:14

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ngày đăng: 31/07/2022

QK2- Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2022 là từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, trong đó thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Từ ngày 01/3/2022, người tham gia bảo hiểm y tế có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp từ   ngày 01/3/2022. BHXH Việt Nam nghiên cứu và triển khai các giải pháp kỹ thuật kết nối với CSDLQG về dân cư và các giải pháp tra cứu thông tin về thẻ BHYT qua CCCD gắn chíp phục vụ người tham gia BHYT. Người tham gia BHYT có thể sử dụng CCCD gắn chíp làm thủ tục KBCB tại các cơ sở KBCB trên toàn quốc theo phân tuyến.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDLQG về bảo hiểm với CSDLQG về dân cư; cung cấp, chia sẻ khoảng 35 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDLQG về dân cư.

Với việc triển khai KBCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người tham gia BHYT, cơ sở KBCB và cả với ngành BHXH Việt Nam; là một trong những bước đi đầu tiên hướng tới thực hiện nền hành chính hiện đại, chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về dân cư và CSDLQG về bảo hiểm cùng với việc triển khai KBCB BHYT bằng CCCD gắn chíp sẽ giúp nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử; giảm trùng thẻ BHYT, hạn chế gian lận, trục lợi trong đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT…

Theo BHXH Việt Nam hiện cả nước đã có hơn 6 nghìn cơ sở y tế (chiếm khoảng 45,6 % tổng số cơ sở y tế có ký hợp đồng KBCB BHYT) đã triển khai áp dụng với 294.328 lượt KBCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Trong thời gian tới, để đảm bảo cho người dân được cấp thẻ BHYT có CCCD gắn chíp có thể sử dụng CCCD để KBCB BHYT, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư với CSDLQG về bảo hiểm để đồng bộ thông tin tham gia BHYT với thông tin CCCD đối với những trường hợp người tham gia BHYT chưa có thông tin về CCCD trong CSDLGQ về bảo hiểm.

Đối với các trường hợp thuộc diện quân nhân, thân nhân quân nhân được BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin theo quy định của Bộ Quốc phòng vừa tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng quản lý có thể sử dụng CCCD gắn chíp để KBCB BHYT theo đúng lộ trình đề án của Chính phủ xác định.

NGỌC LINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.