Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 06:35:08

Sâu lắng nghĩa tình

Ngày đăng: 04/05/2018

Vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp cùng Hội phụ nữ Ban CHQS thành phố Tuyên Quang đến thăm hỏi và tặng quà cho các thương, bệnh binh trên địa bàn. Đây là việc làm thiết thực và vô cùng ý nghĩa nhằm tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh, những người lính đã hy sinh một phần thân thể của mình để đổi lại cho chúng ta nền hòa bình độc lập như ngày nay.

Hội phụ nữ Ban CHQS thành phố Tuyên Quang đến thăm và tặng quà cho bệnh binh Hoàng An .

Được sự giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Duyên, thương binh hạng 2/4 tại tổ 6, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Tham gia cách mạng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông chính là người đã sống, chiến đấu và góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kiên cường, dũng cảm là vậy, ấy thế mà, người “Chiến sĩ Điện Biên” năm xưa lại xúc động đến trào nước mắt khi được chúng tôi đến thăm. Chiến tranh đã lấy đi của ông toàn bộ phần hàm trước, khiến việc ăn uống, nói năng vô cùng vất vả, khó khăn. Hiện giờ, ở tuổi 88, ông gần như không còn đi lại được. Chúng tôi không nghe rõ những gì ông nói nhưng qua ánh mắt, chúng tôi hiểu được ông thật sự xúc động. Quà chỉ là một phần nhỏ nhưng quan trọng là tình đồng chí. Lâu lắm rồi mới có đồng đội đến thăm ông.

Thiếu tá CN Đào Hương Giang, Chủ tịch Hội phụ nữ Ban CHQS thành phố Tuyên Quang chia sẻ: “Là những quân nhân, chúng tôi ý thức hơn ai hết về công lao, sự cống hiến, hy sinh của các bậc cha chú đi trước. Chính vì vậy, nhân dịp kỉ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cùng chị em trong Hội đã lên kế hoạch cụ thể, vận động thêm tài trợ, chuẩn bị quà để đến thăm các bác thương, bệnh binh trên địa bàn. Rất may mắn, chương trình này không chỉ được sự ủng hộ của tất cả các hội viên, thủ trưởng cơ quan mà còn có những đơn vị bên ngoài. Phần quà tuy không lớn, chỉ 500.000 đồng  nhưng đó là tình cảm, là tấm lòng tri ân của chị em đối với những người lính đã hy sinh một phần thân thể của mình để đổi lại cho chúng ta cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày nay”.

Rời nhà ông Duyên, chúng tôi đến thăm nhà của một trong năm chiến sĩ có mặt trên chiếc xe tăng 843, một trong hai chiếc xe huyền thoại đầu tiên tiến vào Dinh độc lập, đánh dấu sự chấm hết cho cuộc chiến phi nghĩa chia cắt dân tộc Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là ông Nguyễn Văn Kỷ, thương binh hạng 4/4. Theo sự cho biết của gia đình, ông Kỷ mới bị tai biến nên sức khỏe khá yếu, đi đứng không còn vững nhưng vừa nhìn thấy bộ đội đến chơi nhà, ông vui lắm, cố gắng ngồi dậy và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thời chiến tranh. Với những người lính, được có mặt trong thời khắc lịch sử lớn của dân tộc là một niềm tự hào và niềm tự hào ấy sẽ mãi được ông khắc ghi trong tâm khảm cùng với những đồng đội đã chiến đấu, hy sinh cả tuổi thanh xuân, xương máu vì nền độc lập dân tộc.

Sau khi chăm chú lắng nghe câu chuyện của ông Kỷ, Thượng úy CN Lê Thị Thu Hường xúc động cho biết, càng hình dung ra được sự ác liệt của chiến tranh khi ấy, cô càng thấu hiểu hơn về sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Thật cảm phục trước tinh thần quật cường, ý chí dũng cảm của những người lính và nhân dân ta khi ấy. Như được tiếp thêm động lực, cô khẳng định: “Tôi rất tự hào vì mình đã và đang tiếp nối con đường cao quý của các chú, các bác. Tôi xin nguyện cống hiến cuộc đời mình cho quân đội, Tổ quốc và nhân dân”.

Để lại trong chúng tôi nhiều suy nghĩ nhất trong chuyến đi này chính là trường hợp của bệnh binh Hoàng An. Thật đau xót khi hai đứa con của ông đã mất do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Ai bảo ngưng tiếng súng là hết khổ đau? Những hậu quả nặng nề, dai dẳng, nhức nhối mà chiến tranh mang lại thật đáng sợ. Trên gương mặt luôn phảng phất nỗi buồn, ông kể lại: “Thời kỳ kháng chiến, giặc Mỹ thường xuyên rải thảm chất độc hóa học, chúng tôi phần nhiều đều bị nhiễm, nhưng nói gì thì nói tôi vẫn may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống và không trở về. Tôi rất hoan nghênh và cảm ơn trước hành động của các đồng chí. Với chúng tôi, đó là sự quan tâm, sự an ủi tinh thần rất lớn mà chỉ có trong quân đội ta mới có”.

Chỉ với những cái nắm tay thật chặt, thật ấm, những lời động viên nhẹ nhàng, ân cần của các chị đã khiến cho những người lính cảm thấy ấm lòng hơn. Có thể nói, đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội phụ nữ Ban CHQS thành phố, thể hiện được tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam và tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. “Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống xây dựng đơn vị vững mạnh, tham gia tích cực hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công – làm sáng ngời nét đẹp truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam”, chị Giang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KIỀU TRINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.