Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 09:18:03

Sáng mùa xuân ấy, Bác trở về

Ngày đăng: 08/02/2021

QK2 – Mùa hè năm 1911, từ cảng Sài  Gòn, trên con tàu buôn Pháp Amiral Latouche Tréville, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Ở thời điểm đó không ai biết rằng, quyết định ra đi của một con người lại gắn liền với vận mệnh cả dân tộc. Bằng sự sáng suốt, phi thường và với một dự cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không sang nước Nhật, không tìm về các quốc gia châu Á mà tìm đến tận chính quốc đang cai trị dân tộc và đến trung tâm phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. 

Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trải qua cuộc hành trình bôn ba đầy gian khổ ở nhiều châu lục, Người không những không chùn bước mà càng ngày càng tôi luyện ý chí cứu nước, cứu dân, tranh thủ mọi thời cơ, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản, các nước thuộc địa và ở mọi lúc mọi nơi để học hỏi, nghiên cứu tìm chân lý cách mạng.

30 năm là một chặng đường dài thử thách, từ một thanh niên yêu nước, trở về nước khi đã trở thành một con người hơn năm mươi tuổi đời, một chiến sĩ cách mạng kiên cường và lỗi lạc không chỉ của Đảng, của nhân dân Việt Nam mà còn của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

Từ một thanh niên yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc, Người bắt gặp ánh sáng chủ  nghĩa Mác-Lênin và tìm ra chân lý: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chỉ đạo trong nước chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng, thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”; chuẩn bị hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tiền thân thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau ba mươi năm bôn ba tìm kiếm, đấu tranh, hoạt động chỉ đạo cách mạng từ nước ngoài, ngày 28-1-1941 (ngày 2 tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Bác về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Ở đây, tình cảm với đất nước thân yêu của Bác đã được nhà thơ Chế Lan Viên diễn tả bằng những câu thơ đầy xúc động: “Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai…”

Từ mùa xuân năm 1941 cho đến tháng 8-1945, trên mảnh đất cách mạng Cao Bằng và ở Việt Bắc, Người đã chỉ đạo và trực tiếp thực hiện những công việc lớn của cách mạng. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941) – Hội nghị đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Ðảng ta. Hội nghị chủ trương: “Trong lúc này khẩu hiệu của Ðảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Ðông Dương ra khỏi ách đô hộ của giặc Pháp – Nhật… nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh) để lôi cuốn, tập hợp sức mạnh quần chúng cả nước để đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Cùng với đó, Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, súng đạn, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Từ căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn, Võ Nhai, chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển thành cả một vùng rộng lớn bao gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.

Theo Chỉ thị của Bác, ngày 22-12-1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời, tạo ra một cục diện mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng. Chỉ thị của Người nêu ngắn gọn, xúc tích các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Ðảng như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang…

Từ căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, Mặt trận Việt Minh triệu tập Quốc dân đại hội, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra lời hiệu triệu tới toàn thể nhân dân và các đoàn thể Cứu quốc và khẳng định là “một Chính phủ quốc dân có đủ uy tín và thực lực", gồm những người xứng đáng nhất trong các đoàn thể cứu quốc là cơ quan lãnh đạo tối cao của quốc gia để hành động cho kịp với sự chuyển biến rất mau lẹ của tình hình. Lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào: “Ngày vĩ đại và quyết liệt của dân tộc ta đã đến. Chúng ta hãy vùng dậy tuốt gươm, lắp súng để định đoạt lấy số phận của mình. Chúng ta quyết thắng và sẽ thắng”.

 Mùa xuân tám mươi năm trước, Bác trở về. Hình ảnh khi lần đầu tiên Bác trở về với Tổ quốc sau 30 năm xa cách ấy mãi mãi là hình ảnh bình dị, thân thương, như nhà thơ Tố Hữu để lại những áng thơ gắn với lịch sử dân tộc và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ kính yêu: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…/ Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!”…

SONG  VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.