Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 08:00:43

Rèn luyện tác phong công tác sâu sát, cụ thể của đội ngũ cán bộ các cấp

Ngày đăng: 18/12/2018

QK2 – Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ và khoa học. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hằng năm Bác thực hiện hơn 60 lượt xuống kiểm tra cơ sở, thăm các địa phương, công trường, hợp tác xã, nhà máy xí nghiệp, đơn vị bộ đội. Mỗi ngày, dù bận trăm công nghìn việc, dù tuổi cao sức yếu, Người vẫn dành thời gian đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi đến, những ý kiến cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết. Người còn trực tiếp viết thư động viên, tặng Huy hiệu chúc mừng những tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Theo quan điểm của Bác, muốn tổ chức thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết thì gắn liền với triển khai phải tổ chức kiểm tra, giám sát, “đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sau kiểm tra, giám sát, thì cái sai cần khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được động viên khen thưởng, kịp thời. Người cho rằng, sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu khen thưởng các tập thể trong Phong trào Thi đua Quyết thắng Cục Chính trị, giai đoạn 2013 – 2018.

Học tập và làm theo Bác, những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì cấp ủy, chỉ huy ở nhiều cơ quan, đơn vị trong Quân khu đã đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong đó có phương pháp, tác phong sâu sát cơ sở để triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn kịp thời những sai sót, đảm bảo cho các hoạt động đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Ví dụ, để công tác tham mưu, chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT đạt hiệu quả, Cục Chính trị đã triển khai thực hiện “một tập trung, hai đột phá”, “Hướng về cơ sở”; “Hướng dẫn sâu, kiểm tra sát”; “Nói ngắn, viết gọn, tham mưu trúng, đúng, hiệu quả”…. góp phần cho hoạt động CTĐ, CTCT của Quân khu luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp thường xuyên đề cao trách nhiệm trong công tác, có phương pháp tổ chức thực hiện, kiểm tra hợp lý, gương mẫu chấp hành nguyên tắc, chế độ công tác; chủ động bám nắm cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Một số cấp ủy chỉ huy, cơ quan thường xuyên tổ chức kiểm tra đơn vị “đáy” và đã phát hiện, chấn chỉnh những “lỗ hổng”, sai sót, trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thấy rằng, phương pháp tác phong công tác của nhiều cán bộ các cấp chưa thực sự sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ. Năng lực hoạt động thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số chỉ huy, chính ủy, chính trị viên quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết chưa sâu, chưa kỹ; chấp hành quy chế không nghiêm, triển khai nhiệm vụ chưa coi trọng kiểm tra, giám sát. Công tác dự báo, nắm tình hình địa bàn, tình hình cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, nhất là nhiệm vụ duy trì, quản lý chấp hành pháp luật, kỷ luật. Một vài đơn vị, nhất là cơ quan quân sự địa phương chưa thể hiện hết vai trò, năng lực làm tham mưu cho địa phương, triển khai thực hiện thiếu sự vận dụng sáng tạo, phù hợp; vì thế, chất lượng, hiệu quả công tác còn nhiều sai sót, kết quả có mặt chưa cao, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị.

Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp nhất là vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa phát huy triệt để; năng lực, phẩm chất một số cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn hạn chế; nghiên cứu văn bản, hướng dẫn của các cấp không đầy đủ, dẫn đến chỉ đạo, triển khai không sâu và còn có biểu hiện “khoán trắng” cho cấp dưới; ít đi kiểm tra “đáy”.

Đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên bám nắm đơn vị, quan tâm, động viên bộ đội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020 yêu cầu: “Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy gắn với phát huy trách nhiệm của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, sâu sát cơ sở, phân công, phân cấp hợp lý, rõ ràng, khắc phục tình trạng quan liêu, trì trệ, nói không đi đôi với làm”. Để khắc phục những hạn chế khuyết điểm nêu trên, rèn luyện phương pháp tác phong công tác sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể, khoa học, đội ngũ cán bộ các cấp cần thực hiện một số nội dung biện pháp sau:

Thứ nhất: Cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp cần nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, nội dung phương pháp tác phong công tác sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; đây là biểu hiện của tác phong công tác khoa học, sát thực tế. Cụ thể, tỉ mỉ là phải đến tận nơi, đến địa bàn để “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nói”, hiểu thấu những khó khăn, tổng hợp kinh nghiệm từ thực tiễn, chỉ ra biện pháp hay giúp đơn vị. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là yêu cầu cần thiết để từng cá nhân, trên cương vị chức trách xác định những biện pháp cụ thể trong xây dựng, học tập, rèn luyện tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, khoa học.

Thứ hai: Tích cực đổi mới phương pháp nắm tình hình, kiểm tra đơn vị. Sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ không có nghĩa là lúc nào, khi nào cũng phải có mặt ở cơ sở, luôn luôn phải chạy xuống đơn vị cơ sở mà mỗi lần, mỗi đợt đi kiểm tra, bám nắm cơ sở phải có mục đích rõ ràng, chuẩn bị chu đáo; xuống cơ sở phải nắm đúng tình hình, hiểu được khó khăn vướng mắc, nguyện vọng của quần chúng, phát hiện những vấn đề chưa đúng, chưa trúng để giúp đỡ, chỉ đạo, hướng dẫn, thậm chí phải “cầm tay chỉ việc” nếu thấy cần thiết.

Để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn phiền hà cho đơn vị, cán bộ chủ trì từng cấp, từng cơ quan đơn vị đổi mới cách kiểm tra, “khâu đầu mối” các ngành chức năng để kiểm tra nắm tình hình, lựa chọn nội dung, biện pháp, đơn vị cụ thể để kiểm tra đánh giá chính xác, thực chất; rèn luyện phương pháp tác phong xem xét, điều tra, thu thập tình hình, lắng nghe ý kiến đề nghị của cơ sở, phát hiện những vấn đề phát sinh, tránh chỉ nghe báo cáo mà chưa đi sâu vào thực tế. Thời gian kiểm tra có thể không dài nhưng cần kết luận sát, cụ thể, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện.

Thứ ba: Phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của cấp dưới, của cơ quan, ngành chức năng trong rèn luyện tác phong sâu sát, tỉ mỉ. Nhiệm vụ của mỗi cơ quan, ngành chức năng đặt ra yêu cầu đòi hỏi riêng về phương pháp, cách thức thực hiện, nhất là những ngành đòi hỏi chuyên môn sâu. Cán bộ chuyên môn tốt thì giỏi, sâu sát, tỉ mỉ ở ngành mình, biết việc ngành khác, hay nói cách khác là phải giỏi một việc nhưng phải biết nhiều việc. Vì vậy cấp ủy, chỉ huy, người chủ trì cần phải biết phát huy trách nhiệm quản lý chuyên môn cũng như vai trò tham mưu của ngành chức năng để qua đó nắm chất lượng ngành chuyên môn để vừa có tính bao quát, vừa cụ thể, thực chất.

Thứ tư: Cấp ủy, cán bộ chủ trì phải là những tấm gương về phương pháp, tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; biết yêu thương đồng chí, đồng đội, biết vì cái chung. Sâu sát, cụ thể trong nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của trên, triển khai có trọng điểm, chọn lọc, kiểm tra chất lượng triển khai thực hiện của cấp dưới. Khi kiểm tra nắm tình hình, bằng phương pháp thuyết phục, động viên, giúp đỡ cấp dưới tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời vướng mắc nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với việc giữ vững chuẩn mực trong công tác, sinh hoạt để quần chúng, cấp dưới tin cậy; không đẩy khó khăn, đùn trách nhiệm cho dưới; không tự nhận thuận lợi, khen thưởng về mình theo kiểu “nhận công – đổ lỗi”, bởi mỗi cán bộ là tấm gương soi, là mệnh lệnh không lời thuyết phục cấp dưới và quần chúng học tập, noi theo.

Thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản trên chính là đã rèn luyện một trong những yêu cầu về phương pháp, tác phong công tác khoa học và thuyết phục, góp phần quan trọng trong hoàn thiện phẩm chất, năng lực công tác của người cán bộ gần gũi, bám sát cơ sở theo đúng tinh thần Chỉ thị 53 của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu về nâng cao trách nhiệm cán bộ chủ trì các cấp; đúng với tinh thần Quy định số 08-QÐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

            Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN
Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.