Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 02:36:38

Rèn luyện bản lĩnh, bồi đắp giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Ngày đăng: 23/01/2020

QK2 – Năm 2019, toàn quân tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Sau 5 năm thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng, tạo sức lan tỏa sâu rộng, trở thành động lực to lớn cổ vũ toàn quân đoàn kết thống nhất, giữ vững niềm tin, vượt mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Hàng ngàn, hàng vạn tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu được vinh danh, ghi nhận thành tích từ các phong trào, trong từng cơ quan, đơn vị.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu khen thưởng các cá nhân xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Để tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, ngày 12 tháng 8 năm 2019, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 855-CT/QUTW về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới với sự phát triển và cụ thể hóa những yêu cầu, nội dung giữ vững danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Những yêu cầu về chuẩn mực của Cuộc vận động cụ thể là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh; có văn hóa, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng.

Trong những chuẩn mực ấy, bản lĩnh chính trị được đặt lên hàng đầu, như chuẩn mực căn cốt nhất bồi đắp giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bản lĩnh chính trị là phẩm chất tuyệt đối cần thiết; là sự thể hiện “tính đảng”, chỉ đạo định hướng mọi suy nghĩ, hành động của cá nhân gắn với mục tiêu hoạt động của tổ chức. Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện ở sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng – độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ… Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mọi cán bộ, đảng viên, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm đều phải: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(1); để từ đó “phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”(2).

Bản lĩnh chính trị của Đảng được thể hiện trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; biểu hiện ở sự vững vàng, kiên định, không dao động trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; quyết tâm phấn đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì lợi ích của dân tộc, của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá chế độ của các thế lực thù địch, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên mà có. Đó là giá trị đặc biệt của quá trình nhận thức, giáo dục, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, nghiêm túc trong thực tiễn hoạt động của mỗi người. 

Lần giở trong lịch sử, các chiến sĩ cách mạng tiền bối bị địch bắt, bị tù đày và tra tấn dã man, nhưng bất luận, trong hoàn cảnh nào các chiến sĩ cũng thể hiện bản lĩnh kiên trung, giữ vững khí tiết của những người cộng sản. Hoàng Văn Thụ, người cộng sản trẻ tuổi, trước họng súng kẻ thù, kề cận cái chết, vẫn đanh thép tuyên bố: “Không cần nói gì nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi – những người mất nước và các ông – những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng!”. Đấy là khí tiết, là bản lĩnh của người cộng sản kiên trung đã được tôi rèn, thử lửa.

Có một câu chuyện của ba chiến sĩ để lại lá thư cho hậu thế trước khi trở thành liệt sĩ.

Mùa xuân năm 1966, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực lượng lớn quân  Mỹ – Ngụy ở Bông Trang – Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), trên đường rút về hậu cứ, Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” có 11 người, được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch để Trung đoàn trở về an toàn. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, 8 người hy sinh, chỉ còn lại ba chiến sĩ: Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; Trần Viết Dũng, quê Sài Gòn. Vượt qua những ngày “đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương tích, ba chiến sĩ tới một cánh rừng. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng…”. Sau khi chọn cho mình cái chết, 3 chiến sĩ – người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau; các anh dồn chút sức lực còn lại viết lá thư gửi những người đang sống.

Các anh viết rằng: “Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ vật còn lại… Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”. Lần lượt, Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí ra đi. Người để lại những dòng lưu bút cuối cùng là Trần Viết Dũng: “… Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi  thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về tới tay những người đang sống…

Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi  trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.

Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước…”.

Gần hai mươi năm sau, các Anh được phát hiện trong một cảnh tượng rất đỗi thiêng liêng. Trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây đã mọc lên cao, là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ Quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK han rỉ, một đôi dép cao su. Bức thư được bọc gói trong bao ni lông đã giải mã về sự hy sinh cao cả ấy.

Có lẽ đấy là một trong những câu chuyện xúc động nhất về bản lĩnh, lẽ sống, về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Xin được nghiêng mình trước bản lĩnh và sự hy sinh cao cả của các Anh.

*   *   *

*   *

Trong điều kiện hiện nay, bản lĩnh chính trị của mỗi người, mỗi tổ chức, từng ngày, từng giờ luôn bị chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó, có sự tác động từ những quan điểm sai trái tán phát trên không gian mạng. Vốn dĩ dòng chảy thông tin không gian mạng là loại hình thông tin mở, vô tận, đa chiều, khiến người tham gia thông tin, tiếp nhận thông tin, nếu thiếu bản lĩnh, lập trường sẽ dễ bị mê hoặc, tác động. Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và những hạn chế, sơ hở, mất cảnh giác của chúng ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân. Chúng cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá cách mạng; bằng nhiều phương kế tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận, gieo rắc vào cán bộ, đảng viên tư tưởng hoài nghi về mục tiêu, con đường đi lên xây dựng CNXH.

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều vấn đề tiêu cực xã hội như nạn lô đề, cờ bạc, tín dụng đen, vay nợ nặng lãi, lối sống thực dụng… trực tiếp tác động, cám dỗ, chi phối, ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Để không hoang mang, dao động, không bị sa ngã trước sự tác động ấy, mỗi chúng ta, mà trước hết là cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị thật sự vững vàng, đề cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu, không bị lôi kéo, tăng cường "sức đề kháng", đề cao trách nhiệm, tính tự giác trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, lối sống hưởng thụ. Bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên không những “miễn dịch” trước những cám dỗ, tật xấu mà còn nêu gương “miễn dịch”, vượt lên thử thách cuộc sống, đấu tranh phản bác để tạo sức “đề kháng” cho mọi người, góp phần làm lành mạnh môi trường chính trị xã hội, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị.

Bản lĩnh chính trị, trong giai đoạn hiện nay còn có vai trò “bệ đỡ” cho sự tự tin, tự tôn, tự hào dân tộc, đặt niềm tin ở chính sức mình trong thực hiện nhiệm vụ,   vươn tới đỉnh cao mới của kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Rèn luyện bản lĩnh chính trị, chúng ta cần quán triệt thật sâu sắc phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau” như Quân ủy Trung ương chỉ đạo trong xây dựng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Trước thềm Xuân Canh Tý, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nêu cao bản lĩnh chính trị, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi đảng viên đặt niềm tin vào mục tiêu lý tưởng của Đảng, bởi đó là phẩm chất quyết định sự sống còn, sự thành công của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và toàn Đảng của chúng ta. 

        Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN
Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu

 

(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, t.9, tr.354

(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.538

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.