Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:16:28

Ra mắt mạng xã hội “make in Vietnam” Lotus

Ngày đăng: 17/09/2019

Tối 16-9, Công ty Cổ phần VCCorp đã tổ chức lễ ra mắt mạng xã hội Việt Nam mang tên Lotus.

 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho biết, mạng xã hội Lotus ra đời nhằm mục đích cho người dùng cảm giác thoả mãn nhất. Cụ thể, chúng tôi đã ra đời những công cụ như tút ảnh (đăng trạng thái, kể chuyện thông qua hình ảnh), viết blog, chùm ảnh… giúp lan toả những giá trị tích cực, đem lại những cảm xúc tuyệt vời cho người dùng.

Ngoài ra, khi người dùng hoạt động trên Lotus xoay quanh nội dung như chia sẻ, xem, đọc hay tạo ra giá trị lan toả .. thì sẽ được token. Sau khi sở hữu một lượng token, người dùng có thể chia sẻ, tặng token cho người khác thông qua huy hiệu (hợp lý, vui vẻ, hài hước….) để cổ vũ người tạo ra nội dung. Những huy hiệu này đều mang tính chất tích cực, không có giá trị tiêu cực như trạng thái bức xúc vì chúng tôi cho rằng tích cực sẽ tạo ra giải pháp…

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp chia sẻ về những tính năng của MXH Lotus.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: MXH Lotus có thành công hay không phụ thuộc chính vào những người sử dụng, trải nghiệm, cùng phát triển với VCCorp. Không có sự sáng tạo nào lớn hơn sự sáng tạo của chính người dùng, đó chính là sức mạnh của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, internet có những chu kỳ 15 năm. Chu kỳ 15 năm thứ nhất là xây dựng nền tảng của một thế giới trực tuyến. Chu kỳ 15 năm thứ hai là điện thoại di động, truyền thông xã hội, kinh tế nền tảng. Hai chu kỳ này đều gắn với các công ty internet, phần nhiều là các công ty toàn cầu. Chu kỳ 15 năm thứ ba có thể coi như bắt đầu từ năm 2015, khi internet được tích hợp vào cuộc sống con người, những tên tuổi mới sẽ xuất hiện, không chỉ là các công ty internet nữa mà có thêm ngữ cảnh. Một ngữ cảnh Việt Nam, một bài toán Việt Nam phải có một bài toán Việt Nam. Làn sóng internet thứ ba này cần một văn hóa mới: Văn hóa hợp tác. Mạng xã hội cũng cần cách tiếp cận mới. Lotus là sản phẩm của làn sóng internet thứ ba, một cách tiếp cận theo cách mới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng về sự dấn thân của một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tư vào một lĩnh vực khó, đang bị những gã khổng lồ toàn cầu thống trị; làm những việc mà không ít các doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất bại; tâm lý xã hội cho rằng không khả thi. Bộ trưởng đánh giá cao VCCorp trong hoạt động kinh doanh, có giá trị đóng góp lớn vào sự phát triển của internet Việt Nam. "Việt Nam là nước đi sau, không còn bất cứ việc gì dễ cho chúng ta nhưng chúng ta sẽ không nhìn đó một thách thức mà là cơ hội vì việc dễ không bao giờ tạo ra người tài. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đặt ra nhiều hơn nữa các bài toán khó, có thể là rất khó nhưng sẽ luôn là những bài toán mang đến sự thành công, mang lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

 

Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus.

“MXH Lotus là sự gặp nhau của những người làm công nghệ khát khao một MXH đời mới, cách tiếp cận mới, công nghệ mới, đáp ứng những nhu cầu mới và những nhà đầu tư Việt Nam có khát vọng Việt Nam hùng cường, kết hợp với chương trình "Make in Vietnam" của Chính phủ. Chúng ta cần nhiều hơn nữa sự kết hợp ba bên này để giải quyết nhiều bài toán nữa của đất nước, nhất là những bài toán lớn, mang tính căn bản và nền tảng để giúp Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Mạng xã hội Lotus được xây dựng dưới góc độ nền tảng phân phối nội dung của người sử dụng tạo ra tới các độc giả. Theo đó, Lotus thu hút người dùng bằng nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn.

Để có nội dung ban đầu tốt, ở giai đoạn này Lotus hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau gồm: giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, blog, lifestyle, giải trí, âm nhạc… và trên 30 nguồn chính luận gồm: Báo Quân đội nhân dân, VTV, Tuổi trẻ, Lao Động, Thanh Niên, Vietnamnet, Dân trí…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham dự sự kiện.

Tham dự sự kiện có lãnh đạo các báo, đài Trung ương và TP Hà Nội.

Với trên 500 nhà sáng tạo nội dung, Lotus cam kết xây dựng mọi điều kiện để “giải phóng sức sáng tạo”, bao gồm gần 50 format đa dạng như video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí, nhạc, sách,… giúp chuyển tải các loại nội dung khác nhau cho nhiều đối tượng như người làm báo, người viết blog, chuyên gia, nhiếp ảnh gia,…

Nguồn thu chính cho các nhà sáng tạo nội dung là từ quảng cáo thông qua Admicro, một đơn vị quảng cáo thuộc VCCorp. Ngoài ra, Lotus đang xây dựng mô hình kiếm tiền khác dựa trên tương tác, thử thách, hoạt động với độc giả thông qua việc tích luỹ token. 

Lotus ra đời trên cơ sở việc tìm ra và đánh trúng nhu cầu lớn chưa được đáp ứng tốt bởi các sản phẩm hiện hữu trên thị trường để khắc phục tình trạng nội dung chưa chuyên nghiệp, ít cảm xúc, nặng về đọc, các nội dung “kén khách” chưa có đất sống. 

Điều đáng tự hào không chỉ với VCCorp mà đối với người Việt nói chung, đó là 200 kỹ sư công nghệ của Việt Nam đã làm chủ công nghệ để giải các bài toán trên AI, Big data, Data mining, Image processing, Recommendation,… trong quá trình thiết kế và vận hành mạng xã hội của người Việt thiết kế, do người Việt thiết kế.

Sau khi ra mắt ngày, Lotus phát hành bản dùng thử (open beta) trong khoảng từ 3-6 tháng. Ngay sau khi phát hành bản open beta, Lotus mở truy cập với các thành viên mới; chỉnh sửa lỗi, hoàn chỉnh các chi tiết phần mềm; hoàn thiện và bổ sung chức năng có trong kế hoạch; điều chỉnh hướng phát triển nội dung; cập nhật các hướng dẫn, điều khoản người sử dụng dựa trên phản hồi của người sử dụng và xã hội.

(Theo QĐND Online)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.