Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 07:25:18

Quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân chống chạy chức, chạy quyền

Ngày đăng: 05/11/2019

QK2 – Ngày 23-9-21019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ngay sau khi Quy định 205-QĐ/TW được ban hành, những kẻ “bồi bút dân chủ”, bất mãn chính trị đã có những bình luận thiếu khách quan, phủ nhận công tác phòng chống tham nhũng và công tác cán bộ của Đảng. Họ xuyên tạc Quy định số 205-QĐ/TW là “cuộc đấu tranh nội bộ nhằm dọn đường cho công tác nhân sự ở Đại hội XIII”. Đây là những quan điểm sai trái nhằm mục đích cuối cùng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” vì “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thấm nhuần lời dạy của Người, gần 90 năm qua, Đảng luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng đã cho thấy, một trong những vấn nạn nhức nhối hiện nay, được đề cập trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chính là “chạy chức, chạy quyền”. Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ quyền hạn được giao đã kéo bè, kéo cánh, đưa người thân vào giữ các vị trí tại các cơ quan công quyền, tạo tiền đề hình thành “nhóm lợi ích” cho thấy, câu chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan như vua, như chúa ở mỗi địa phương đã không còn là hiện tượng đơn lẻ, dẫn đến tình trạng một gia đình, một dòng họ “thao túng”, “chi phối” công tác cán bộ nói riêng, quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương nói chung, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhận thức được thực trạng trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã khẳng định quyết tâm phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ nạn chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện tham ô, tham nhũng, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QÐ/TW ngày 23-9-2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” (Quy định 205), khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Quy định 205 gồm 15 điều cho thấy công tác cán bộ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ. Quy định nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương; của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức quán triệt và cụ thể hoá theo thẩm quyền. Việc thực thi giải pháp kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”, chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ sẽ là bước đột phá sâu sắc, là liều vắc xin đặc trị trong công tác cán bộ nói chung, phòng và chống “chạy chức, chạy quyền” nói riêng, thiết thực xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.

Chúng ta phải nhận thức rõ rằng, đây không phải là “một cuộc đấu đá nội bộ” như những kẻ bồi bút xuyên tạc mà là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để đưa ra khỏi Đảng, bộ máy Nhà nước những cán bộ yếu kém về phẩm chất đạo đức, để cho Đảng trong sạch hơn, bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu lưc, hiệu quả hơn. Một Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, một Nhà nước trong sạch, nghiêm minh chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền, một đội ngũ cán bộ, đảng viên được giáo dục tốt về đạo đức và văn hóa, một thể chế chính trị phát huy được dân chủ của quần chúng nhân dân chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để hạn chế và đẩy lùi tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền.

VŨ VĂN LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.