Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 02:42:33

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm cứu nạn

Ngày đăng: 14/10/2020

Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố sạt lở núi tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) khiến một số người bị mất liên lạc, có thể gặp nạn, trong đó có các cán bộ quân đội và địa phương trong đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đặc biệt quan tâm, khẩn trương chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường để tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

 

Bộ Quốc phòng đã cử đồng chí Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo các lực lượng, kịp thời triển khai các biện pháp TKCN.

Mệnh lệnh chiến đấu thời bình

Theo báo cáo từ Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, vào 12 giờ ngày 12-10, một người dân điện thoại trực tiếp cho ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thông báo việc xảy ra sạt lở núi, lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, có thể một số công nhân đã gặp nạn, rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, động viên lực lượng khắc phục điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường.

Nhận được thông tin, đoàn công tác gồm 21 người trong đó có lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các đồng chí cán bộ Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện Phong Điền, Ban CHQS huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan nhanh chóng cơ động vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để kiểm tra, xác minh và có phương án cứu hộ-cứu nạn. 

Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12-10 từ Huyện ủy Phong Điền, đến 16 giờ cùng ngày thì đến ngầm tràn 71, ô tô không thể qua được. Vì vậy, đoàn để lại ô tô và đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo cáo về UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lúc 22 giờ ngày 12-10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm, có 4 gian gồm 3 gian nghỉ và 1 gian bếp.

Đến 0 giờ ngày 13-10 thì có tiếng động lớn, sạt núi vào tòa nhà đoàn đang nghỉ. Theo thông tin ban đầu, 8 người đã thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất liên lạc, trong đó có 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã khẩn trương điều động gần 200 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 414 và Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) hành quân đến hiện trường TKCN; phương tiện bao gồm 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TKCN. Để đảm bảo thông tin thông suốt giữa Sở chỉ huy tiền phương với các lực lượng TKCN, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 đã thiết lập kênh liên lạc vệ tinh, giúp việc chỉ đạo và công tác phối hợp giữa các đơn vị làm nhiệm vụ được nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Cùng với đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân điều động hai máy bay trực thăng làm nhiệm vụ trinh sát trên không và cứu hộ-cứu nạn, ứng cứu nhân dân trong các tình huống khẩn cấp.

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, Bộ tư lệnh Quân khu 4 tranh thủ từng giờ, từng phút, không quản ngày đêm, thời tiết mưa gió, dồn hết nhân lực và vật lực phối hợp với các lực lượng triển khai mọi biện pháp nhanh chóng tiếp cận TKCN các nạn nhân bị mất liên lạc, với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Bộ Quốc phòng đã có Điện số 162/TK chỉ đạo Quân khu 4, Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ-Cứu nạn và các đơn vị chức năng tích cực triển khai TKCN và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. 

Khắc phục khó khăn, tổ chức TKCN nhanh nhất, hiệu quả nhất

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và thủ trưởng Bộ Quốc phòng, LLVT Quân khu 4 đã nhanh chóng triển khai thêm lực lượng, phương tiện để vừa làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn vừa giúp dân vùng ngập lũ. Ngay từ 3 giờ sáng 13-10, gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện chuyên dụng của Lữ đoàn Công binh 414 lập tức lên đường, vượt hơn 300km, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TKCN các nạn nhân đang mất liên lạc, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đến 13 giờ, toàn đơn vị và phương tiện có mặt tại vị trí tập kết là Trường Tiểu học Phong Xuân (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Đây là vị trí tạm dừng. Tại vị trí này, các lực lượng tiến hành bổ sung vật chất, triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện TKCN bảo đảm nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Đoàn xe của Lữ đoàn Công binh 414 cơ động vào hiện trường.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 414 cho biết: “Nhận lệnh của quân khu lúc rạng sáng ngày 13-10, sau khi tổ chức giao nhiệm vụ, triển khai lực lượng, phương tiện, làm công tác chuẩn bị, chỉ sau 1 giờ, lữ đoàn hành quân cơ động lực lượng từ đơn vị và có mặt tại xã Phong Xuân lúc 13 giờ. Quá trình cơ động, chúng tôi đã chấp hành nghiêm quy định để bảo đảm an toàn nhất và nhanh nhất. Từ sáng đến giờ, bộ đội chưa ăn cơm… Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhanh chóng phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức cứu hộ-cứu nạn các nạn nhân đang bị mất liên lạc”. Chiều muộn, cán bộ, chiến sĩ mới nhanh chóng ăn bữa cơm để bảo đảm cho việc triển khai nhiệm vụ tiếp theo. 

Cùng có mặt tại địa điểm tạm dừng, chỉ huy lực lượng CHCN của Sư đoàn 968 (Quân khu 4), Thiếu tá Trần Đức Thông, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 19 (Sư đoàn 968) thông tin: “Sau khi nhận nhiệm vụ của cấp trên, chúng tôi khẩn trương làm công tác chuẩn bị và 45 đồng chí nhanh chóng cơ động vào vị trí tập trung theo kế hoạch, bảo đảm an toàn mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ở vị trí tạm dừng, chúng tôi tranh thủ làm công tác chuẩn bị thêm, triển khai nơi ăn nghỉ cho bộ đội để bảo đảm an toàn, đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ". 

Được biết, trên tuyến đường 71 đi vào thủy điện Rào Trăng 3 có 10 điểm sạt lở núi. Lực lượng chức năng đã khắc phục được 7 điểm, còn cách khoảng 3km là đến vị trí sạt lở tại Trạm kiểm lâm số 7, thuộc Tiểu khu 67, nơi cán bộ đoàn công tác đi vào hiện trường chiều 12-10 đang mất liên lạc; cách 10km đến vị trí của những công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. 

Dù đêm tối, thời tiết khắc nghiệt, nhưng các lực lượng quân đội tham gia TKCN phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất. Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia TKCN. Sở chỉ huy tiền phương kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quốc gia TKCN hỗ trợ 1 xe cứu hộ đa năng, 1 xuồng cao tốc công suất 4.500 CV, máy phát có đèn pha 10 chiếc, 30 phao bè, 10 máy cắt thủy lực, 20 máy cưa cầm tay để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn.

Ngay sau khi nhận được thông tin về các nạn nhân đang mất liên lạc tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, chiều 13-10, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đến Sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ đạo công tác TK, CHCN và khắc phục hậu quả mưa lũ tại địa phương. Phát biểu tại Sở chỉ huy tiền phương, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ sự lo lắng của gia đình những cán bộ đang gặp nạn; biểu dương sự vào cuộc quyết liệt và có hiệu quả của các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời chỉ đạo các lực lượng bằng mọi nguồn lực và phương tiện nhanh chóng tìm cách tiếp cận hiện trường, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, TKCN những người đang mất liên lạc. Mọi hoạt động phải đặt công tác bảo đảm an toàn lên hàng đầu…

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.