Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 02:32:42

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Quán triệt chủ trương gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh

Ngày đăng: 03/11/2021

QK2 – Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển KT-XH, với Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”. Đây là sự phát triển tư duy mới của Đảng về nội dung giải pháp tăng cường QP-AN, bảo vệ Tổ quốc; trong đó phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII về mục tiêu phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác QS-QP, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu cần nghiên cứu, quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên quan tâm, chăm lo giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Bởi đó là điều kiện quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác làm ăn lâu dài. Điều này chỉ có thể đạt được dựa trên các kết quả củng cố QP-AN. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với bảo vệ, phát triển bền vững có hiệu quả các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn Quân khu; góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trong các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển với tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế.

Khảo sát các công trình kinh tế – xã hội ở cơ sở thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: ĐỨC ĐÀO)

Hai là, tăng cường tiềm lực QP-AN với phát triển KT-XH, trong đó, cần củng cố tiềm lực chính trị – tinh thần, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết hợp xây dựng, củng cố tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành. Phát triển công nghiệp QP-AN gắn với công nghiệp quốc gia theo hướng tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; kết hợp quốc phòng – kinh tế ở vùng, khu kinh tế trọng điểm, địa bàn chiến lược, biên giới…  

Ba là, kết hợp trong xây dựng LLVT với lực lượng nghiên cứu khoa học, nhân lực chất lượng cao, lưỡng dụng cho cả mục tiêu QP-AN, KT-XH. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức của nhân dân về nhiệm vụ QP-AN bảo vệ Tổ quốc, nâng cao dân trí, kiến thức pháp luật, chất lượng lực lượng của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân với chất lượng nguồn nhân lực cho KT-XH. Củng cố, xây dựng lực lượng QP-AN, Quán triệt quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu chất lượng cao; lực lượng công an cơ sở đáp ứng nhiệm vụ an ninh, trật tự ở cơ sở; củng cố các khu kinh tế – quốc phòng trên các địa bàn chiến lược với bố trí các cụm dân cư ổn định, giúp dân sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, gắn quy hoạch của quốc gia, vùng, từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ QP-AN với phát triển KT-XH. Xây dựng KVPT tỉnh, thành phố, phòng thủ Quân khu với xây dựng các công trình phòng thủ dân sự; bố trí LLVT gắn với các cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Củng cố QP-AN ở khu vực phòng thủ luôn gắn với thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển các khu kinh tế – quốc phòng, quốc phòng – kinh tế. Kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng KVPT, xây dựng căn cứ hậu phương với quy hoạch, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, “thế trận lòng dân” vững chắc…

 Năm là, tăng cường hợp tác về QP-AN tạo thời cơ thuận lợi cho hợp tác quốc tế ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển KT-XH, thu hút nguồn lực, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ tiên tiến. Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại của doanh nghiệp QP-AN, mở rộng xuất nhập khẩu sản phẩm quốc phòng và kinh tế, viễn thông,… làm cho thị trường hàng hóa phục vụ QP-AN, kinh tế ngày càng phong phú hơn, có điều kiện đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, đẩy nhanh hiện đại hóa Quân đội và Công an. Tăng cường quốc phòng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển vùng.

Đại tá TẠ VĂN VIỆT

                                          Trưởng Phòng TMKH – Cục Hậu cần

 

 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.