Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 09:46:38

Quân dân Tây Bắc chung sức, đồng lòng vượt khó

Ngày đăng: 28/09/2020

Bài 3: Chung sức dựng xây vững chắc “phên dậu” Tổ quốc

QK2 – Địa bàn Quân khu 2 có vị trí chiến lược rất quan trọng, gồm 9 tỉnh, với 88 huyện, thành phố, thị xã; diện tích tự nhiên hơn 65.150km2; có đường biên giới chung với hai nước Lào và Trung Quốc, với 34 dân tộc cùng sinh sống, dân số hơn 7,6 triệu người. Nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương, tiến hành đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần dựng xây vững chắc “phên dậu” Tây Bắc Tổ quốc.

QUÂN DÂN CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG

Cùng cán bộ Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7, Đoàn KT-QP 313 (Quân khu 2) thực hiện buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự tận tụy, cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trí thức trẻ tình nguyện của đơn vị. Thiếu tá Trần Ngọc Hải, Chính trị viên Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7 chia sẻ: Thanh Đức là xã đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, địa chất kết cấu không vững chắc; mùa khô sương mù dày đặc, rét đậm rét hại; mùa mưa sạt lở đất, đá gây ách tắc giao thông, đi lại khó khăn… Để khắc phục những khó khăn đó, Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7 đặc biệt coi trọng thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng” (3 bám: Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) để thực hiện tốt công tác dân vận, vận động quần chúng gắn với tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Là người thường xuyên đồng hành, vào cuộc cùng Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7 khi đơn vị thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức Hoàng Văn Tuyến phấn khởi cho biết: Tình hình ANCT, TTATXH của địa phương cơ bản ổn định, đời sống Nhân dân ngày càng nâng lên… Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đội 7. Bám dân, bám bản, chia sẻ khó khăn, vui, buồn nên đồng bào luôn đặt trọn niềm tin vào bộ đội Đội 7, coi như người thân ruột thịt trong nhà. Chính vì vậy, khi bộ đội Đội 7 tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân tin tưởng và tự giác chấp hành. Nhờ vậy mà thời gian qua không còn tình trạng truyền học đạo trái phép, không có công dân Việt Nam lao động, lấy chồng bất hợp pháp tại Trung Quốc, người dân luôn yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tham đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra nắm tình hình tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng Sùng A Chứ thông tin, giới thiệu cụ thể tình hình phát triển kinh tế – xã hội, ANCT địa bàn. Ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, bởi tuy địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn (số hộ nghèo chiếm 41,1% – theo chuẩn nghèo mới; xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới…), song với sự nỗ lực vượt khó, đồng lòng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện…

Công an xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên với nhân dân để làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn.

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, công tác xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận ANND tại xã Tà Tổng luôn được quan tâm. Thượng úy Lý Phùy Chóng, Trưởng công an xã Tà Tổng chia sẻ: Do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, cả tin nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo, kích động… Để giữ vững ANCT, ổn định địa bàn, xã thường xuyên bố trí cán bộ, lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng nắm, bám địa bàn để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe, theo kẻ xấu; phát động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm. Còn Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tà Tổng Sùng Chờ Sình hồ hởi: Lực lượng dân quân xã hiện có gần 100 đồng chí; luôn phát huy vai trò nòng cốt, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 10 (Đoàn KT-QP 379) tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động xóa đói, giảm nghèo; vận động nhân dân định canh, định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương… góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Trung đoàn 82 có nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đồng thời là lực lượng chủ lực cơ động thực hiện các nhiệm vụ hướng Tây của Quân khu 2. Đặc biệt, thời gian qua, Trung đoàn đã triển khai có hiệu quả hoạt động công tác dân vận trên địa bàn, đi vào thực chất, có chiều sâu, tạo sự gắn bó, niềm tin, giữ vững hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Thực hiện kế hoạch hoạt động tổng hợp bảo vệ biên giới hướng Tây mùa khô, kết hợp làm công tác vận động quần chúng tại huyện Điện Biên, huyện Mường Nhé với trên 3.000 ngày công, đơn vị đã giúp các địa phương trên địa bàn phòng chống thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn; giúp các xã của huyện Điện Biên hoàn thành chương trình về đích nông thôn mới; xây dựng 1 nhà “Ngôi nhà đồng đội” và tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn. Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", ''Bộ đội Trung đoàn 82" luôn ngời sáng trong lòng đồng bào các dân tộc Điện Biên.

NGỜI SÁNG HÌNH ẢNH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

Dưới tán rừng, trong lòng đất, dưới lòng sông… Đâu đó tưởng như có vẻ yên bình. Song ít ai biết, còn rất nhiều địa bàn mà trong cái “vỏ bọc” bình yên ấy là những trái bom, bãi mìn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh đang từng ngày, từng giờ đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân. Chúng ta vẫn ví những trái bom, quả mìn, vật nổ còn tồn sót trong lòng đất giống nhưng “tử thần”, “thần chết” đang ẩn mình, trực chờ vồ lấy con mồi. Diện tích ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn Tây Bắc rất lớn, người dân và lực lượng chức năng ở cả 9 tỉnh trên địa bàn đều đã phát hiện, xử lý rất nhiều bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót với nhiều chủng loại, vùi sâu trong lòng đất và đã bị phong hóa do môi trường nên luôn ở trạng thái mở (chờ nổ)… Chúng cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất…

Vậy mà, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ công binh các đơn vị vẫn thầm lặng, vượt lên mọi vất vả, gian khổ, hiểm nguy, miệt mài vạt cỏ, bới đất, dò mìn, tháo gỡ vật cản nổ, trả lại sự bình yên cho đất mẹ. Thành quả là những vạt đồi, mảnh ruộng được nhân dân tái sản xuất; nhiều nhà máy, các công trình an sinh xã hội được mọc lên, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, ấm no. Ông Vàng Seo Sính, Trưởng thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hồ hởi: “Bom mìn ở đây còn lại sau chiến tranh rất nhiều. Bộ đội công binh vào rà phá. Khi rà phá xong, Nhân dân yên tâm canh tác”.

Không chỉ góp phần công sức nhỏ bé vào hành trình gieo mầm sự sống cho những vùng đất chết, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu cũng luôn đồng hành cùng Nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đóng quân trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái), Sư đoàn 316 thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Tuy nhiên, các địa phương nơi đơn vị đóng quân cơ bản còn khó khăn, như: Đường cơ động đến các địa bàn thực hiện nhiệm vụ xa, đồi núi; khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; bão, giông, lốc, sạt lở, lũ lụt, cháy rừng ngày càng gia tăng với sức tàn phá lớn gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân… Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, 5 năm qua, Sư đoàn huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và gần 100 lượt phương tiện phối hợp với các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 vì Nhân dân không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy ngày càng được Nhân dân tin yêu, quý mến.

Thượng tá Đỗ Duy Chinh, Phó Chính ủy Sư đoàn 316 chia sẻ: Quán triệt sâu sắc quan điểm “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn là một nhiệm vụ chính trị – nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tới 100% cán bộ, chiến sĩ; qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy Quân khu, Đảng uỷ Sư đoàn ra Nghị quyết 24-NQ/ĐU về “Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ – cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Hằng năm các cấp ủy, chi bộ đã cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo tinh thần “Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 326 (Quân khu 2) hướng dẫn, giúp người dân trồng lúa nước.

Đoàn KT-QP 326 (Quân khu 2) có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện Dự án khu KT-QP Sông Mã với diện tích tự nhiên gần 243.470ha, thuộc địa bàn 15 xã của 3 huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), trong đó có 9 xã biên giới, với trên 190km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 326, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ KT-QP, các dự án đầu tư, góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở, nông thôn mới, phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh và bền vững. Đoàn đã triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư được phê duyệt của Bộ Quốc phòng gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; triển khai thực hiện xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng ở địa phương (trồng và sản xuất dược liệu; trồng chanh leo, cây ăn quả bền vững trên đất dốc; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín…); tuyên truyền, vận động Nhân dân học tập, làm theo phương thức nuôi trồng, canh tác đạt hiệu quả; từng bước liên kết với các đơn vị đưa khoa học kỹ thuật tiến bộ vào vùng sản xuất và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; mạnh dạn khảo nghiệm một số giống dược liệu trồng dưới tán rừng; làm cơ sở để nhân rộng mô hình; bước đầu xác định rõ nét về phương thức thực hiện nhiệm vụ KT-QP và hình thành cơ chế quản lý phù hợp… Những kết quả trên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án mỗi năm 4-5%; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa biên giới ở Sơn La; góp phần xây dựng khu KT-QP Sông Mã ổn định, phát triển.

Hôm nay, cuộc sống bình yên, no ấm đã trải khắp dải đất hình chữ S thân thương. Nhưng với người lính Cụ Hồ nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 nói riêng vẫn ngày đêm quên mình cống hiến… Bao gian khó, hiểm nguy và có cả những mất mát, hy sinh… Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 vì dân ngày càng tỏa sáng.

Bài, ảnh: VŨ THƯ – HOÀNG OANH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.