Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 07:37:06

Phủ thờ quan Thượng Láng

Ngày đăng: 30/10/2017

Phủ thờ quan Thượng Láng – Nguyễn Duy Thì còn được gọi với một số tên khác như đền Tướng Công, Tướng Công từ, đền Thượng thư Nguyễn Duy Thì tọa lạc tại thôn Hợp Lễ, xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây cũng là quê hương của danh nhân Nguyễn Duy Thì.

Phủ thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì ở quê nhà.

Tại khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đời Vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, được triều đình Lê Trịnh trọng dụng, cử đi sứ sang nhà Minh, trở về được thăng quan, cấp nhiều bổng lộc. Đương thời, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Lê Trung Hưng. Ông đã được nhà vua thăng lên chức tể tướng, giúp chúa Trịnh điều hành mọi công việc trong phủ Chúa.

Là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, Nguyễn Duy Thì giỏi ngoại giao, thêm tài bày mưu lược đánh nhà Mạc. Đau đáu việc nước, nạn tham nhũng, ông dâng chúa Trịnh bài khải “Đạo trị nước”. Ông đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê Trịnh, trong thì giữ yên chính trị, ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân. Ông được người đời nhờ cậy và tôn trọng. Phủ đường nơi ông làm việc khi về quê, sau khi ông mất, nhân dân sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng, tưởng nhớ công lao của ông suốt hơn 350 năm nay.

Tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, thông thoáng tại khu Độc Lập, đền thờ Tướng công Nguyễn Duy Thì được xây dựng theo kiểu dáng nhà tiền tế có 5 gian, 24 cột gỗ lim, qua một khoảng sân hẹp vào từ đường 5 gian, tạo thành hình chữ “Nhị”, kỹ thuật bào trơn đóng bén, nhưng nguyên liệu được lựa chọn kỹ nên đến nay qua hàng trăm năm tồn tại di tích vẫn khá chắc khoẻ, thoáng đãng, mát mẻ, mang rõ nét dấu ấn của loại hình kiến trúc thế kỷ XVII ở vùng nông thôn trung du Bắc Bộ. Di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý: Chiếc đòn võng gỗ mít Quan Thượng Láng vẫn dùng khi đi từ triều đình về quê và ngược lại, một bản chúc thư gồm 188 trang chữ Hán do công thần Nguyễn Duy Trực sao lại năm 1780 với nội dung ghi các chức tước và ruộng đất được ban cấp của ông, 34 đạo sắc phong nguyên gốc và nhiều hiện vật là đồ thờ tự tại đền có niên đại thế kỷ XVII bao gồm: Ngai ỷ, án gian, chấp kích, bát bửu và hệ thống hoành phi, câu đối.

  VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.