Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:16:52

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngày đăng: 20/01/2023

QK2 – Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, vị thế chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với truyền thống cách mạng, đặc biệt là từ khi Đảng ra đời, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn một lòng, sắt son theo Đảng, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc cử tri huyện Na Hang.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang tự hào được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm “Thủ đô Khu giải phóng” lãnh đạo cuộc Cách mạng của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa tỉnh Tuyên Quang vinh dự trở thành “Thủ đô Kháng chiến”, được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương chọn làm nơi đặt trụ sở để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân, phong kiến. Trong Cách mạng Tháng Tám và suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, tỉnh Tuyên Quang cùng với các tỉnh trong chiến khu Việt Bắc luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tròn nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng với Nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong hành trình hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, sáng tạo, kế thừa thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ bản trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Quán triệt, thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sát với điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân, mang lại những kết quả tích cực. Trọng tâm là: Ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh; riêng nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 8 nghị quyết chuyên đề, 3 chỉ thị, 2 đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 9 đề án chuyên đề, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 7 nghị quyết, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các cơ chế, chính sách thực hiện xuyên suốt, thống nhất trong cả nhiệm kỳ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cụ thể hóa mục tiêu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thường xuyên quan tâm, chăm lo đối với hoạt động của các giai cấp, tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng các hình thức tập hợp Nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, có sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân gắn với giáo dục lòng yêu nước, lịch sử, truyền thống quê hương cách mạng; tăng cường quốc phòng, an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thường xuyên quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Có thể nói, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nổi bật như: Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm”, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh thời gian qua được quan tâm đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã xây dựng trên 2.700km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn lực huy động đạt trên 1.400 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 48%, Nhân dân đóng góp 52%). Giai đoạn 2015-2020, kiên cố hóa hơn 944km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, kinh phí thực hiện trên 822 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 80%; Nhân dân đóng góp 20%). Ngoài ra, Nhân dân còn tích cực tham gia đóng góp bê tông hóa 470km đường giao thông nội đồng; xây dựng và đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên; các hộ gia đình đã tình nguyện đóng góp trên 825.000 ngày công lao động, tự nguyện hiến trên 113.000m2 đất để xây dựng các công trình.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở tích cực tham gia các hoạt động “ba cùng” với Nhân dân tại cơ sở để tăng cường mối liên hệ mật thiết với Nhân dân; trọng tâm là tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, tham gia giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 1.700 lượt chi bộ, đảng bộ với 79.360 lượt cán bộ, đảng viên và 186.400 lượt nhân dân tham gia các hoạt động ở cơ sở; đã triển khai hỗ trợ làm mới và sửa chữa trên 2.460 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí huy động trên 250 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch giai đoạn 2012-2025.

Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đến nay đã vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 60 tỷ đồng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm trị giá trên 48 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hỗ trợ các chốt kiểm dịch… trong phòng, chống dịch Covid-19…

Những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đạt được trong những năm qua là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự quan tâm, phối hợp của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành bạn. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, sát sao của các cấp ủy đảng, điều hành linh hoạt, hiệu quả của chính quyền, tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội. Đặc biệt, yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự đồng lòng, chung sức, nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.

 

Để tiếp tục củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển bền vững tỉnh nhà, trọng tâm là quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Xác định xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng Nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; duy trì thực hiện nghiêm chủ trương về vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia.

Thường xuyên quan tâm, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp Nhân dân các dân tộc, tôn giáo, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên làm tốt công tác nắm và phản ánh tình hình Nhân dân, dư luận xã hội; ngăn chặn từ sớm, từ xa những nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng vi phạm chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo.

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang xác định tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, chung sức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành “tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”, xứng đáng với vị thế của quê hương cách mạng, “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, tỉnh Anh hùng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

CHẨU VĂN LÂM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.