Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:38:39

Ông lang Ngọc ở Sa Pa

Ngày đăng: 02/10/2016

“Nắm trong tay” một số bài thuốc bí truyền có khả năng chữa bệnh nan y khá hiệu quả, nhưng ông lang Nguyễn Văn Ngọc, ở số nhà 34, tổ dân phố số 5A, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai không lấy đó để kiếm kế sinh nhai làm giàu mà chỉ xem việc chữa bệnh cứu người của mình như một cơ duyên làm phúc.

“Nếu vì tiền thì tôi đã giàu”

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng có dịp được gặp và tìm hiểu về ông lang phố núi Nguyễn Văn Ngọc. Mới 7 giờ sáng, nhưng phòng khách nhà ông đã tập trung khá đông người. Hầu hết họ là người dân trong vùng và các tỉnh lân cận đến nhờ ông khám bệnh, bốc thuốc. Vừa bắt mạch, ông Ngọc vừa tận tình hỏi thăm gia cảnh và động viên người đàn ông có nước da mai mái: “Bác bị viêm gan, phải điều trị ngay, kẻo để lâu e không tốt…”. Dứt lời, ông Ngọc kê đơn rồi đến bên tủ thuốc, cân mỗi loại một ít. Ông gói cẩn thận thành từng thang đưa cho người bệnh. Trước khi tiễn người bệnh ra về, ông Ngọc còn dặn đi dặn lại nhiều lần: “Phải ăn kiêng như đã nói, cứ chịu khó uống thuốc sẽ khỏi bệnh”. Thấy người đàn ông mang thuốc về mà không phải thanh toán tiền, tôi hỏi ông Ngọc: “Số thuốc ấy bao nhiêu mà không thấy chú tính tiền…”. Vẫn nét mặt thân thiện, ông cười: “Hầu hết bệnh nhân là người lao động nghèo, nên tôi tạo mọi điều kiện để họ chữa bệnh, công xá… tính sau”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài việc bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, ông còn có bài thuốc bí truyền chữa rắn độc, chó, mèo dại cắn. Những năm qua, bằng bài thuốc này ông đã cứu hàng trăm người dân nghèo thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” mà không màng đến tiền công và sự trả ơn.

 Ông Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng bên phải) tư vấn cách trị bệnh cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng bên phải) tư vấn cách trị bệnh cho người dân.

Trò chuyện với tôi, ông hào hứng kể về việc nhiều lần một mình lăn lộn, trèo đèo, vượt núi, ăn cơm nắm, uống nước khe đi tìm cây thuốc và không ít lần gặp nguy hiểm bởi thú rừng, rắn độc, mưa lũ. Trước khi tiếp tục với công việc bắt mạch, bốc thuốc cho những người khác, ông Ngọc vỗ vai tôi nói như tâm sự: “Nếu cứu người chỉ vì tiền, tôi đã giàu từ lâu rồi chú à…”.

Cứu người tựa cơ duyên

Trò chuyện với tôi ông Ngọc rất xởi lởi, thân tình: “Tôi sinh năm 1958, tại xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Nhà tôi có 5 anh chị em. Bố mẹ tôi đặc nông dân. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bố tôi là bộ đội từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Trong những năm tháng gắn bó cùng bộ đội và nhân dân Lào, bố tôi được nhân dân các bộ tộc Lào xem như người thân, nên trước khi về nước, cụ được một người dân địa phương đưa cho 10 hạt “Mắc Cải Lai”-đậu Lào và dặn: Hạt này dùng phòng thân, nếu không may bị rắn độc hay chó dại cắn, thì đắp vào để giữ mạng. Cảm động trước tấm lòng của người dân địa phương, bố tôi cẩn thận cất xuống đáy ba lô, mang về Việt Nam…”.

Năm cậu bé Ngọc lên 10 tuổi, thì xã Sai Nga hứng chịu một trận lũ lớn tàn phá. Sau khi nước lũ rút, rất nhiều loại rắn độc trú ngụ lại trong những đám cỏ lau ven sông. Cũng trong thời gian này, làng trên, xóm dưới có nhiều người bị rắn cắn, không ít người đã mất mạng vì không được chữa trị kịp thời. Một buổi sáng, trong lúc làm cỏ, anh Ngô Văn Hòa, người hàng xóm đã không may bị một con rắn hổ mang cắn vào bắp chân. Bắp chân của anh Hòa dần thâm đen lại, nhiều người lắc đầu vì bệnh viện ở xa, lại không có phương tiện, có đưa được đến nơi, anh Hòa cũng khó mà giữ nổi tính mạng.

Nhìn anh Hòa nằm thoi thóp chờ chết, cậu bé Ngọc chợt nghĩ đến những hạt đậu Lào của bố. Ngọc lập tức chạy về nhà, lấy ra một hạt rồi dùng dao bổ làm đôi đặt vào vết rắn cắn. Thật lạ, khi đặt hạt đậu vào, vết thương hút chặt lấy như viên nam châm hút sắt. Khoảng 30 phút sau, dường như đã “no” máu độc, hạt đậu Lào bỗng rơi ra. Qua hai lượt hút độc, vết thương của anh Hòa xẹp dần, anh đã nằm yên, không còn đau nhức nữa. Những ngày tiếp theo, vẫn bằng cách đắp hạt đậu Lào vào vết rắn cắn, thì anh Hòa khỏi hẳn. Mọi người trong làng đều tròn mắt kinh ngạc. Để trả ơn cho ân nhân đã cứu sống mình, anh Hòa tặng cậu bé Ngọc một con trâu đực đang thời kỳ kéo cày thuần thục. Với người dân và gia đình Ngọc khi ấy, con trâu có giá trị bằng cả gia tài mà không phải ai cũng dám mơ tới. Thế nhưng, mặc cho anh Hòa năn nỉ thế nào, cụ Chức bố Ngọc vẫn nhất quyết không cho con nhận.

Đó là lần đầu tiên cậu bé Nguyễn Văn Ngọc cứu người, để rồi như là định mệnh, cả cuộc đời sau này của cậu bé Nguyễn Văn Ngọc trở thành ông lang Ngọc chuyên khám bệnh, bốc thuốc cứu người.

Ông Ngọc cho biết, năm 1979, ông nhập ngũ. Trước khi lên đường, mẹ ông chia đều 6 hạt đậu Lào còn lại cho ba anh em trai. Một buổi chiều, đang ngồi cùng đồng đội, có ba ông cháu ăn mặc rách rưới, bồng bế nhau từ trên xe khách bước xuống. Ông lão với dáng vẻ mệt mỏi, buồn rầu, trên tay bế đứa bé chừng 5 tuổi, mặt tái dại…  Khi được hỏi, ông cụ mếu máo kể: “Cháu tôi bị mèo cắn, bệnh viện phát hiện bị nhiễm vi-rút dại, khả năng không thể chữa trị được, nên trả về. Tôi đành bất lực ôm cháu về quê chờ chết…”. Kể đến đây, ông lão ôm chặt đứa bé vào lòng rồi nức nở khóc.

Ý nghĩ cứu người lại lóe lên trong đầu “Hạt Mắc Cải Lai trị được nọc độc của rắn, chắc cũng trị được vi-rút bệnh dại…”-Nghĩ thế, ông liền dặn ba ông cháu ngồi đợi rồi chạy một mạch về doanh trại lấy hai hạt Mắc Cải Lai ấy ra cứu người.

Dù kỷ niệm đó đã lùi xa, nhưng khi kể lại chuyện này, ông Ngọc vẫn còn hồi hộp: “Hồi đó thương ba ông cháu quá, nên tôi cũng làm liều. Thực ra, vừa đặt thuốc, tôi vừa run, sợ hạt không có tác dụng chữa bệnh dại, mà lỡ không may cháu bé chết, thì tôi mang tội. Còn đơn vị mà biết, chắc chắn tôi bị kỷ luật. Thế rồi, như có phép màu, sau nửa tháng điều trị, cháu bé dần bớt bệnh rồi khỏi hẳn. Khi tận mắt chứng kiến cảnh hai cậu bé giội nước tắm cho nhau, chúng cười nói rộn cả một góc vườn tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cả ba ông cháu họ coi tôi như đại ân nhân”.

Năm 1983, sau khi xuất ngũ, thay vì trở về quê hương, ông Ngọc lên Sa Pa lập nghiệp và mưu sinh với nhiều công việc khác nhau như: Kinh doanh, sửa chữa điện tử và cuối cùng là nghề bán thịt lợn. Dù vậy, bên cạnh việc mưu sinh, ông vẫn đam mê nghiên cứu các bài thuốc nam, và chính sự say mê đó một lần nữa giúp ông cứu sống thêm được nhiều người thoát khỏi cái chết.

Trong số những người may mắn được ông cứu sống, có không ít ca bệnh cái chết đã cận kề. Đó là đầu năm 1984, một người đàn ông dân tộc Mông bị rắn độc cắn được gia đình đưa đến Bệnh viện huyện Sa Pa trong tình trạng người tím đen, phù nề không mặc được quần áo. Nghe tin, ông Ngọc liền bỏ việc bán hàng chạy vào xem thì thấy người bệnh được gia đình đắp lên người một cái chăn mỏng, nằm thoi thóp thở. Là chỗ quen biết, ông giám đốc bệnh viện ghé tai ông nói nhỏ: Anh xem, nếu còn cứu được, thì cứu người ta… Ông Ngọc không ngần ngại lấy thuốc đắp cho người này. Sau nhiều ngày tích cực điều trị, người đàn ông đã may mắn được ông cứu sống. Đó cũng là bệnh nhân đầu tiên được ông cứu mạng khi lập nghiệp ở huyện Sa Pa.

Năm 2007, anh Thào A Chí, ở bản Cát Cát, huyện Sa Pa đi hái thảo quả, không may bị rắn cạp nong vào bắp chân. Khi nạn nhân được đưa đến nhà ông Ngọc thì mạng sống đã rất mong manh. Ông Ngọc phải chích rất nhiều vết trên cơ thể anh Chí để đắp thuốc. Qua một ngày, anh Chí đã tỉnh lại và thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Ông Ngọc cho xem quyển sổ theo dõi bệnh nhân, tôi thấy người bệnh đến đây gồm nhiều thành phần, lứa tuổi và các chứng bệnh khác nhau, từ thoát vị đĩa đệm, tràn dịch màng phổi đến xơ gan, rắn độc, chó, mèo dại cắn… Được biết, tất cả những người bệnh được ông khám, bốc thuốc cứu chữa đều không phải trả tiền; đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn, ông tổ chức cho ăn nghỉ, chữa bệnh miễn phí nhiều tháng tại nhà, khi khỏi còn được ông cho tiền ăn và tiền tàu xe để về quê.

Khát khao phổ biến bài thuốc

Với mong muốn nhân rộng bài thuốc của mình để cứu được nhiều người hơn, ông Ngọc đã làm đề án trình bày kỹ lưỡng về quy trình chữa trị rồi gửi cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai và Bộ Y tế. Tuy nhiên, các cơ quan này đều trả lời ông rằng: “Bài thuốc này… không có tác dụng chữa bệnh”, mà không hề có động thái kiểm chứng thực tế việc chữa bệnh và tác dụng của bài thuốc. Cuối năm 2011, trong một lần đi công tác, GS, Viện sĩ Thân Đức Tài (Giám đốc Viện Y học Cổ truyền Việt Nam tại Liên bang Nga) đã trực tiếp gặp ông Ngọc để trao đổi, xác minh thông tin và khẳng định: “Thành tích cứu chữa mấy trăm người của ông Ngọc không kém gì một khoa chống độc của bệnh viện cấp tỉnh, trong khi rất tiện lợi cho người bệnh mà lại không tốn kém. Việc anh Ngọc và một số bà con cũng chữa bệnh cho nhân dân là điều rất quý giá, bởi họ đã dám làm việc ấy mà không phải vì mục đích kiếm tiền…”. Ông Tài cũng mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu, khôi phục những kiến thức về y học cổ truyền của cha ông để phát huy hiệu quả.

Từng sinh sống ở thị trấn Sa Pa nhiều năm và cũng là người chứng kiến ông Ngọc cứu mạng sống cho nhiều người, ông Vũ Hồng Trường, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5A, thị trấn Sa Pa khẳng định: “Ông Ngọc là một công dân tốt, có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt là thành tích cứu người không vì tiền là đức tính khiến nhiều người nể trọng”.

Câu chuyện cứu người của ông Nguyễn Văn Ngọc dường như không có hồi kết và ở vùng đất Lào Cai này, ông đang được người dân nể phục trân trọng gọi với cái tên là “thần y phố núi”.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top