Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 05:23:33

Ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm

Ngày đăng: 25/06/2019

QK2 – Gần đây, nhân dịp một phái đoàn của Mỹ đến Việt Nam để tham dự “Đối thoại nhân quyền” thường niên, tổ chức “Ân xá quốc tế” đã cho công bố bản báo cáo phúc trình “Tù nhân lương tâm tại Việt Nam”. Họ cho rằng, “tù nhân lương tâm” đã tăng vọt ở Việt Nam, trong đó có nhiều luật gia, blogger, và những nhà đấu tranh cho môi trường, hoặc đấu tranh vì dân chủ và quy kết rằng, “quyền của người dân Việt Nam được nói lên những điều mình nghĩ” ngày càng bị đe dọa. Họ xuyên tạc, các “tù nhân lương tâm” bị cáo buộc “vi phạm pháp luật chỉ vì có những lời bình luận trên các mạng xã hội”; Luật An ninh mạng của Việt Nam là nguyên nhân khiến số tù nhân bị bắt và bày tỏ chứng kiến trên mạng xã hội tăng nhanh trong thời gian gần đây; qua đó kêu gọi chính quyền Mỹ gây sức ép, đòi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”.

Trẻ em Việt Nam vui với trò chơi tò he truyền thống (Ảnh V.K)

Mặc dù ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông tin khẳng định, Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” tuy nhiên trên một số trang mạng, một vài tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, chống phá Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng cụm từ này và đưa ra những thông tin bịa đặt xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Điểm mặt những người mà họ cho đó là những “tù nhân lương tâm”, hoặc gán cho họ những danh từ mĩ miều “nhà tranh đấu”, “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” thì đều là những người đã từng vi phạm pháp luật; chủ yếu là các tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, bị xử lý theo các chế tài Bộ Luật Hình sự. Đa số những người này đều quá khích hoặc bị một số thế lực giật dây, trở thành phần tử bất mãn, cầm đầu lợi dụng các vấn đề như sự cố môi trường biển, cưỡng chế thu hồi đất đai… để khoét sâu mâu thuẫn, kích động, lôi kéo người dân tham gia biểu tình, kiện tụng, phản đối chính quyền, xúc phạm lãnh tụ, gây rối an ninh trật tự xã hội.

 Thông qua mạng xã hội, họ tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Cụm từ “tù nhân lương tâm” được sử dụng như một điệp khúc; được một số tổ chức, cá nhân núp bóng, nhân danh “tổ chức quốc tế” gọi, họ chỉ dựa trên nội dung tuyên truyền, xuyên tạc sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam mà không hiểu đâu là sự thật. Mục đích của họ là chống phá đường lối, quan điểm của Đảng, gây nghi ngờ, tạo dư luận xấu về tình hình đất nước và kêu gọi trả tự do cho những người vi phạm pháp luật ấy. Những người đã vi phạm pháp luật mười mươi mà họ cho rằng, “bị kết án nặng nề chỉ vì họ thực thi những quyền tự do căn bản như tư tưởng, tôn giáo, ngôn luận, lập hội và tụ họp”. Cá biệt và nguy hiểm hơn, họ còn dựng những nhân vật vi phạm pháp luật ấy nâng lên thành chân dung những nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam và coi đó như là những biểu tượng để tô vẽ, tôn sùng.

Hệ thống pháp luật Việt Nam là hành lang pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam, kể cả Luật An ninh mạng ra đời để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sử dụng mạng Internet. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ sử dụng và tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới. Người dân Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ Internet, tuy nhiên pháp luật Việt Nam không nương tay với bất kỳ ai lợi dụng mạng xã hội để bình luận, đăng tải các hình ảnh, bài viết nhằm kích động, kêu gọi tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Nếu không lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, bình luận tiêu cực, không vi phạm pháp luật thì chẳng ai có thể bắt bớ, giam giữ được.

“Tù nhân lương tâm” mà các đối tượng phản động sử dụng lâu nay là một khái niệm hết sức mơ hồ, được đưa ra từ một phía có sự quy kết chủ quan. Đã nhiều lần, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Thực chất, cụm từ này đang được sử dụng như một chiêu bài lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” của các đối tượng xấu nhằm chống phá Việt Nam. Mặt khác, vài người vi phạm pháp luật mà họ tô vẽ, dựng lên trở thành cái gọi là “tù nhân lương tâm” ấy chỉ là một số người vi phạm pháp luật, không thể chỉ lấy những vụ việc đó để quy kết, đánh giá tình hình nhân quyền của Việt Nam. Đất nước có gần trăm triệu dân, đánh giá tình hình nhân quyền, dân chủ phải đánh giá bằng cuộc sống, mức sống của đại đa số người dân Việt Nam.

Sách trắng do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 2018 về quyền con người với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Việt Nam về quyền con người, thành tựu của Việt Nam trong thực hiện quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Sách đã khẳng định, Việt Nam dành 7 ưu tiên về quyền con người.

Báo cáo World Happiness Report 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đã xếp hạng chỉ số hạnh phúc của 156 quốc gia. Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng này. Đây là báo cáo được xếp hạng dựa trên các biến số chính là: Thu nhập bình quân đầu người, tự do, niềm tin, sức khỏe, bảo trợ xã hội và sự hào phóng. Đây là một đánh giá khách quan của tổ chức quốc tế. 

Mỗi chúng ta cần khẳng định Việt Nam không có cái mà các thế lực thù địch, phản động gọi là “tù nhân lương tâm”. Cần nhìn nhận khách quan về bản chất dân chủ, tính ưu việt của hệ thống pháp luật cũng như thực tế quyền con người ở nước ta hiện nay.

VIỆT KHÔI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.