Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:56:04

Nữ dân quân Yên Châu một thời

Ngày đăng: 24/09/2019

QK2 – Đến thăm di tích lịch sử cầu Tà Vài ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi gặp bà Quàng Thị Tển, chiến sĩ Tiểu đội Nữ dân quân Yên Châu năm xưa đã đi vào huyền thoại khi bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường CKC.

Mặc dù ở lán nương đang vào vụ ngô và cách nhà hơn 3km đường đồi nhưng hay tin chúng tôi đến thăm, bà Quàng Thị Tển về nhà từ rất sớm. Đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và ấn tượng nhất là bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái mà bà đang mặc. Bà Tển bồi hồi nhớ lại: “Đầu năm 1965, khi mới 16 tuổi, tôi được tuyển chọn vào tiểu đội dân quân của bản. Tiểu đội chúng tôi gồm 10 người, tất cả đều là nữ, do bà Quàng Thị Lả làm Tiểu đội trưởng, trực thuộc Ban CHQS xã Chiềng Hặc. Chúng tôi được biên chế 10 khẩu súng trường CKC, vừa huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Vài-chiếc cầu bắc qua suối Sập, thuộc Quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên”.

Bà Quàng Thị Tển kể chuyện bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa.

Những ngày mới được tuyển vào tiểu đội dân quân, bà và đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là quá trình huấn luyện. Thao trường lúc đó chủ yếu ở trong rừng rậm, khe sâu để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện. Hơn một tháng huấn luyện, các nữ dân quân được học về cách tháo lắp, bảo quản súng và cách bắn đón ra sao, từng yếu lĩnh động tác, ngắm, bắn, bóp cò như thế nào. “Tôi vẫn nhớ sau những buổi tập đó, chúng tôi còn xuống các thửa ruộng dưới chân đồi cấy lúa, có hôm thì sang giúp các đơn vị bộ đội kéo pháo lên trận địa, vào rừng sâu lấy cây tre, cây cỏ để ngụy trang cho các trận địa pháo. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia đội văn nghệ của xã để múa hát phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương. Khi nào xong việc thì chúng tôi lại cùng nhau lên vị trí trực theo nhiệm vụ đã phân công”-bà Tển cho biết.

Từ năm 1965 đến 1968, tiểu đội của bà Tển đảm nhiệm xây dựng công sự trận địa trên đồi Loóng Khai, đội hình bố trí ở hướng bắc và cách cầu Tà Vài khoảng 700m. Tiểu đội còn phối hợp với bộ đội địa phương gồm 1 đại đội súng phòng không 12,7mm, bố trí ở hướng tây đầu cầu trên ba mỏm của đồi Huổi Lắc và 1 khẩu đội pháo cao xạ 37mm ở đồi Hiêng-hướng đông đầu cầu Tà Vài.

 Vào khoảng 8 giờ ngày 2-9-1965, nghe tiếng kẻng báo động có máy bay địch, tiểu đội của bà Tển ai nấy nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Vừa vào đến công sự thì bất ngờ xuất hiện ba chiếc máy bay, trong đó hai chiếc thả bom, bắn rốc-két trên các mỏm đồi gần cầu, nơi có các trận địa pháo phòng không của ta, nhưng bị bộ đội ta bắn trả quyết liệt. Một chiếc F-105 của Mỹ từ hướng đông bắc bay quanh khu vực cầu Tà Vài, chuẩn bị cắt bom đánh phá cầu và tuyến đường ngầm dự bị để qua suối. “Tiểu đội tôi nhận được lệnh phối hợp với các đơn vị bắn hạ mục tiêu. Khi máy bay địch từ hướng tây nam về hướng đông bắc bổ nhào cắt bom thì Tiểu đội trưởng Quàng Thị Lả ra lệnh “bắn”. Lựa chọn đúng thời điểm khi máy bay hạ thấp độ cao để cắt bom, ngang với tầm bắn hiệu quả của chúng tôi, cả tiểu đội đồng loạt nổ súng”-bà Tển nói.

Thấy máy bay địch mất thăng bằng, có lửa bốc cháy và khói đen mù mịt, tiểu đội nữ dân quân tiếp tục bắn vào mục tiêu, đến khi nó ra khỏi tầm bắn. Khoảng 5 phút sau, đài quan sát của địa phương đánh kẻng thông báo máy bay địch đã bị cháy và rơi về hướng nam cách cầu Tà Vài khoảng 6km. Bà Tển cho biết: “Lúc đó, chúng tôi ai cũng vui mừng, vì đây là chiến công đầu tiên của tiểu đội. Sau khi xác định máy bay đã bị bắn hạ, tiểu đội trưởng cử tôi và hai đồng chí cùng với bộ đội, nhân dân địa phương đến vị trí máy bay rơi bắt sống tên phi công. Lúc đó, hắn đang bị thương nặng, gãy đùi phải, chúng tôi băng bó và dùng cáng khiêng về bàn giao cho địa phương”.

Sau này, tiểu đội nữ dân quân được lãnh đạo, chỉ huy các cấp khen ngợi, gửi thư chúc mừng và tặng giấy khen. Ai nấy đều xúc động vì không nghĩ rằng với những khẩu súng trường nhỏ bé như vậy mà bắn cháy máy bay Mỹ được mệnh danh là “thần sấm”.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.