Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 09:59:40

Nơi ghi dấu những chiến tích lịch sử

Ngày đăng: 07/05/2021

QK2 – Những ngày đầu tháng Năm lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.Trên mảnh đất lịch sử, cách đây 67 năm các chiến sĩ Điện Biên năm xưa với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đoàn công tác Cục Chính trị Quân khu chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả bức tranh “Trận chiến Ðiện Biên Phủ”.

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, ấn tượng và tự hào trước khung cảnh hùng tráng, kỳ vỹ của bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được vẽ tại tầng 2 của Bảo tàng -một trong những tác phẩm lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Với chiều dài 132 m, cao hơn 20,5 m cùng phần mái vòm liền kề thể hiện trời, mây, bức tranh “Trận chiến Ðiện Biên Phủ” có tổng diện tích bề mặt lên đến 3.225 m². Tác phẩm được hơn 80 họa sĩ, nhà điêu khắc giàu kinh nghiệm đến từ các tỉnh thành trong cả nước vẽ theo trường phái tả thực, bằng chất liệu sơn dầu vẽ trên vải toan thể hiện hơn 4.500 nhân vật kết hợp với phần sắp đặt nghệ thuật hiện vật và tạo hình đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh chân thực, sinh động về Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện đều được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch. Qua từng nét vẽ, từng gam màu, những biểu tượng, những khoảnh khắc đẹp và điển hình nhất của chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được tái hiện sinh động như hình ảnh khối bộc phá ngàn cân phát nổ tại đồi A1 làm rung chuyển đất trời hay hình ảnh quân ta phất cao lá cờ đỏ sao vàng “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc hầm chỉ huy của tướng Ðờ Ca-xtơ-ri và hàng dài quân Pháp cúi mặt, lê bước ra hàng.Bức tranh không chỉ thỏa mãn nhu cầu cảm thụ nghệ thuật, mà còn lột tả chân thực, trọn vẹn không khí hào hùng về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào, một chiến thắng quân sự mang tầm thời đại của cả dân tộc Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào và yêu nước trong mỗi người.

Có thể nói, với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, bức tranh như một thước phim quay chậm, tái hiện lại toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi có mồ hôi, xương máu của mình và đồng đội đã rơi xuống. Ông Nguyễn Hữu Chấp, Cựu chiến sĩ Điện Biên xúc động tâm sự với chúng tôi: “Khi nhìn vào bức tranh tôi cảm thấy như mình đang cùng các đồng chí, đồng đội tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 67 năm, một thời kỳ đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.Đã có rất nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng nằm xuống trên mảnh đất lịch sử này vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thiết kế trang trí cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ chia sẻ: “Là người chủ trì thiết kế và thi công hệ thống trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với tấm lòng yêu lịch sử và kinh nghiệm qua những tháng năm gắn bó với di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt, khi đến với mảnh đất Điện Biên, tôi cảm nhận được tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đối với lịch sử của đất nước mà còn là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới, đó là niềm hứng khởi, là mạch nguồn sáng tạo thôi thúc tôi lựa chọn và quyết tâm thực hiện tác phẩm nghệ thuật này”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khi xây dựng Bảo tàng (năm 2012) trong thiết kế đã có một vị trí đặc biệt để thể hiện một bức tranh panorama về đề tài chiến tranh. Tuy nhiên tại thời điểm đó không có tổ chức, cá nhân nào đủ năng lực thực hiện bức tranh này, thậm chí tỉnh Điện Biên đã mời cả chuyên gia người Nga sang khảo sát xong cũng không đưa ra được phương án khả thi. Do đó đến năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã đề xuất phương án, xây dựng đề cương và phác thảo ý tưởng. Năm 2018 mới chốt được phương án và tháng 2.2019 những nét vẽ đầu tiên của bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” mới được triển khai. Để hoàn thành tác phẩm đồ sộ này, tác giả cùng với các cộng sự của ông, bao gồm các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như: Lịch sử, quân sự, mỹ thuật; các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, các đạo diễn phim, nhà điêu khắc có chuyên môn và kinh nghiệm đã miệt mài nghiên cứu, thu thập tư liệu lịch sử tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…Ngoài ra, để tăng tính chân thực, sinh động, bên cạnh hình vẽ trên tường, tác phẩm còn được bổ trợ bởi mô hình đắp nổi, một số hiện vật lịch sử khác, cùng hiệu ứng ánh sáng và âm nhạc dành riêng cho mỗi trường đoạn.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: “Hiện nay, di tích Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, đây là những tài nguyên vô giá của tỉnh Điện Biên trong việc phát huy giá trị giáo dục truyền thống lịch sử và thu hút phát triển du lịch. Việc hoàn thiện bức tranh panorama chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn mang ý nghĩa tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta. Đồng thời truyền tải thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân ta và là điểm nhấn mới cho du lịch lịch sử Điện Biên, nguồn tư liệu quý góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau”.

Bài, ảnh: TRẦN HÀO-ĐỨC ĐÀO-ĐỨC HẠNH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.