Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 08:09:05

Những ý kiến tâm huyết tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ Quân khu lần thứ VI

Ngày đăng: 23/09/2021

QK2- Đại hội Đại biểu Phụ nữ Quân khu lần thứ VI (2021- 2026) là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, hội viên phụ nữ trong LLVT Quân khu. Đại hội diễn ra vào thời điểm cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (19/10/1946- 19/10/2021).

Với phương châm: “Đoàn kết – Dân chủ – Bản lĩnh – Sáng tạo – Đổi mới”, các đại biểu dự đại hội tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội Đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VII và Đại hội Đại biểu Phụ nữ Quân khu lần thứ VI (2021- 2026). Báo Quân khu trích đăng một số ý kiến tại đại hội.

1. Đại tá Lương Xuân Nam, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu

Quan tâm nhiều hơn nữa tới phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ

Các tổ chức Hội phụ nữ (HPN) Bộ Tham mưu Quân khu hoạt động phân tán tại các cơ quan, đơn vị; cán bộ Hội chủ yếu kiêm nhiệm, kinh nghiệm tổ chức hoạt động công tác Hội có mặt còn hạn chế. Hiểu rõ vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong thực hiện các nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tham mưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên sát với đặc thù của tổ chức Hội ở từng cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các tổ chức Hội có hội viên hoạt động phân tán. Trên cơ sở đó, cơ quan chính trị đánh giá chính xác kết quả hoạt động, kịp thời tham mưu, đề xuất những chủ trương, giải pháp bằng những việc làm cụ thể, được xác định trong nghị quyết lãnh đạo, chương trình hành động nhiệm kỳ và từng năm, từng quý.

Đại tá Lương Xuân Nam, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu.

 Theo đó, 5 năm qua, Bộ Tham mưu Quân khu đã xây dựng, bổ sung 1 quy chế, ban hành 21 kế hoạch, 38 hướng dẫn liên quan đến công tác Hội và phong trào phụ nữ; trong đó chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ, bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng, có cơ cấu hợp lý về độ tuổi, chuyên môn, ngành nghề đảm nhiệm. Thời gian qua, Bộ Tham mưu thực hiện chủ trương điều chỉnh, tinh giảm quân số của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc theo đúng biểu biên chế mới, phần nào tác động đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ. Với sự quan tâm đặc biệt, Đảng ủy, Bộ Tham mưu Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền, quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh, sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm công tác của chị em; nhất là những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, hội viên phụ nữ yên tâm công tác. Hằng năm, Bộ Tham mưu tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác phụ nữ cho cán bộ Hội; tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ đi tham quan, học tập ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao trình độ công tác. Cùng với đó, Bộ Tham mưu Quân khu chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ theo chỉ tiêu được xác định trong nghị quyết tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Hội cho đội ngũ cán bộ HPN các cấp.

2. Thiếu tá QNCN Phạm Thị Bích Thuỷ, Chủ tịch HPN Kho K28, Cục Kỹ thuật Quân khu

Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là việc làm rất quan trọng đối với Phụ nữ Quân đội, góp phần hiện đại hóa Quân đội, nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của người Phụ nữ Việt Nam nói chung, Phụ nữ Quân đội nói riêng. Ứng dụng CNTT giúp cho phụ nữ Quân đội có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, hình thành kỹ năng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác, tư duy khoa học, tích lũy kinh nghiệm; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn trong công tác tham mưu đề xuất và hiến kế khi thực hiện các nhiệm vụ. Đó cũng là cơ sở quan trọng để từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển các cơ sở Hội, phục vụ thiết thực yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tá QNCN Phạm Thị Bích Thuỷ tham luận tại Đại hội

Ứng dụng CNTT bên cạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ toàn quân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, còn góp phần định hướng tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, hội viên… Mỗi khi khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu, văn bản quy phạm pháp luật qua cổng thông tin, trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội thông qua ứng dụng facebook…, giúp cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng tới cán bộ, hội viên phụ nữ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Việc ứng dụng CNTT góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động công tác Hội một cách rõ nét. Tổ chức Hội cấp trên gửi văn bản xuống tổ chức Hội cấp dưới sẽ nhanh chóng, kịp thời hơn. Ứng dụng CNTT giúp thông điệp lan toả nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Hiện nay CNTT đang được ứng dụng hiệu quả trong công tác chuyên môn, quản lý, khám, chữa bệnh; phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ.

Khắc phục những tồn tại trong công tác thống kê, báo cáo số liệu chủ yếu tiến hành bằng phương pháp thủ công. Do vậy, việc ứng dụng CNTT, nhất là thông qua các ứng dụng và phần mềm quản lý sẽ từng bước xây dựng môi trường điện tử hiện đại, tạo thói quen làm việc cho cán bộ, hội viên. Sử dụng hệ thống mạng internet, thông tin trợ giúp sẽ quản lý hội viên, tổ chức Hội một cách hiệu quả, khoa học, giảm thời gian và công sức cho cán bộ, hội viên và các tổ chức Hội trong quá trình công tác.

3. Thượng tá Phạm Việt Tiệp, Phó CNCT Sư đoàn 316

Chú trọng nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp đối với phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ ở đơn vị làm nhiệm vụ HL, SSCĐ

Với phương châm xây dựng Ban Chấp hành HPN Sư đoàn 316 vững mạnh xuất sắc, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao, Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HPN bám sát vào nhiệm vụ chính trị trung tâm của Sư đoàn là công tác HL, SSCĐ. Hướng các cấp HPN và từng hội viên xung kích thực hiện các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó khăn, đột xuất… Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị còn thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, nhất là giải quyết tốt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chị em. 5 năm qua, Sư đoàn 316 đã giải đáp 183 lượt ý kiến thắc mắc của cán bộ, hội viên; hỗ trợ, đề xuất xây dựng 1 ngôi “Nhà nghĩa tình hội viên”; 3 ngôi “Nhà đồng đội” để giúp chị em vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Thượng tá Phạm Việt Tiệp, Phó CNCT Sư đoàn 316 tham luận tại Đại hội.

Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp còn thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các  cấp HPN tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào phụ nữ; triển khai nhiều mô hình sáng tạo, nhiều cách làm hay, tiêu biểu, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; Quỹ “Vì Phụ nữ khó khăn”; mô hình “Nuôi heo đất”, “Tổ, nhóm tiết kiệm”, “Bữa cơm phụ nữ”, “Hội phụ nữ chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19”… Không chỉ tổ chức tốt các phong trào, các mô hình phụ nữ, các cơ quan, đơn vị còn thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, tập huấn giúp chị em phụ nữ có kiến thức toàn diện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu công tác trên cương vị, chức trách được đảm nhiệm. 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 316 đã tổ chức 96 buổi tập huấn về công tác Hội; 176 buổi tập huấn phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em; 95 buổi tập huấn phòng, chống bệnh HIV; 74 buổi tập huấn phương pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai.

Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp thường xuyên tăng cường đối thoại, lắng nghe và giải đáp những ý kiến thắc mắc của cán bộ, hội viên phụ nữ; đặc biệt là các ý kiến tham mưu, đề xuất với tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy để quyết định những vấn đề liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Đồng thời chỉ đạo các HPN tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động phù hợp, sát với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của đơn vị; triển khai thực hiện hiệu quả phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh xuất sắc, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

4. Trung tá QNCN Trần Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch HPN Bệnh viện 109 (Cục Hậu cần Quân khu)

Nâng cao phẩm chất “Lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc quân y

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng, hằng năm, Ban Chấp hành HPN Bệnh viện Quân y 109 thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ, hội viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Với phương châm “Hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, cán bộ, hội viên chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của bệnh nhân. Tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế; xây dựng hình ảnh đẹp của người thầy thuốc quân y. Hội viên phụ nữ Bệnh viện Quân y 109 tích cực tham gia công tác khám, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Chú trọng những thành tựu trong phát triển y học truyền thống kết hợp với hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu cũng như chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Trung tá QNCN Trần Thị Thanh Hằng, Bệnh viện Quân y 109 tham luận tại Đại hội

Hội viên phụ nữ luôn chấp hành nghiêm chế độ của bệnh viện, đặc biệt là chế độ tâm lý tiếp xúc với người bệnh; chế độ trực cấp cứu; chế độ khám, chẩn đoán bệnh, làm bệnh án, kê đơn… Việc kiểm soát thông tin từ bệnh nhân, thanh toán bảo hiểm ra viện, chuyển tuyến… được thực hiện một cách nhanh chóng, rõ ràng, công khai, góp phần đem lại sự hài lòng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. 

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, 100% cán bộ, hội viên đã quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh; phòng, chống dịch. Hội viên phụ nữ tham gia tiêm vắc xin Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu; hướng dẫn hơn 2.300 lượt bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào thăm, khám đeo khẩu trang đúng cách, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay, tuân thủ đúng quy định “5K” và sẵn sàng nhận nhiệm vụ tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 1, số 2 của Bộ Quốc Phòng tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh.

Quán triệt và thực hiện Phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức đồng lòng thi đua, phòng, chống và chiến thắng đại dịch CoVid -19” do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động. Với khẩu hiệu tất cả vì miền Nam ruột thịt và tinh thần “Chống dịch như chống giặc” HPN Bệnh viện Quân y 109 có 10 hội viên xung phong tăng cường vào miền Nam dập dịch. Chị em trở thành những tấm gương tiêu biểu của người thầy thuốc quân y, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần và nhân dân giao cho.

5. Thiếu tá QNCN Ngô Thị Thuý Hằng, Chủ tịch HPN Lữ đoàn 604

Quan tâm hỗ trợ cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Thực hiện hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình thông qua các mô hình: “Tổ, nhóm tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”… đến nay, HPN Lữ đoàn 604 có 31 lượt cán bộ, hội viên được vay vốn. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hội viên đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Ở Lữ đoàn 604 có hội viên Hoàng Thị Tươi, Chi hội Phụ nữ Tiểu đoàn 2, từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Bộ Quốc phòng, chị Tươi đã sử dụng để mua bò giống sinh sản. Sau 5 năm chăm sóc, đến nay gia đình chị đã phát triển đàn bò lên 12 con, cho thu nhập ổn định. Gia đình hội viên Lưu Thị Vân Anh, Chi hội Tiểu đoàn 3, từ nguồn vốn tiết kiệm của HPN Lữ đoàn hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình chị đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập khá. Hiện nay, 2 gia đình hội viên phụ nữ đơn vị đã hoàn trả vốn vay ban đầu. Trừ mọi chi phí hằng năm, gia đình 2 hội viên đều thu lãi từ sản phẩm tăng gia, chăn nuôi từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.

 

Thiếu tá QNCN Ngô Thị Thuý Hằng, Lữ đoàn 604 tham luận tại Đại hội

Cùng với việc hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, xuất phát từ Cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; hoạt động “Ngày Quốc tế hạnh phúc”,“Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày gia đình Việt Nam”…, các tổ chức HPN Lữ đoàn 604 tập trung quán triệt, cụ thể hoá vào chương trình, kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả, thông qua nhiều nội dung, hình thức, phương pháp, mô hình hoạt động phong phú, đa dạng, như: Tổ chức các buổi tuyên truyền, toạ đàm nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái; tuyên tuyền các văn bản Luật liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, đã thu hút 100% cán bộ, hội viên hưởng ứng tham gia. Hằng năm có 99,8% gia đình hội viên đạt các tiêu chí của cuộc vận động, đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và đạt các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”.

Các cấp HPN Lữ đoàn 604 còn tích cực phối hợp với các tổ chức quần chúng ở địa phương và các cơ quan, đơn vị tham gia hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường đạt hiệu quả thiết thực. Với nhiều mô hình, nội dung, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng: “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Ngày thứ bảy không túi nylon”, “Hè tình nguyện”,… luôn thu hút hàng trăm lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Thực hiện hiệu quả các mô hình này, HPN Lữ đoàn 604 đã góp phần xây dựng cảnh quan đơn vị “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, tạo ra môi trường sống trong lành và không gian văn hóa trong đơn vị.

 CAO MẠNH TƯỜNG (Thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.