Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 08:47:58

Những giờ phút Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập

Ngày đăng: 01/09/2019

QK2 – Trong  hào khí đầy sôi động của những ngày cách mạng, Bác từ chiến khu về Hà Nội. Ngày 25-8-1945, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đón Bác về nội thành, đưa Bác đến ở nhà số 48 Hàng Ngang. Theo cuốn “Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (NXB Sự thật, Hà Nội, 1975), ngày 26-8-1945, Bác về đến Hà Nội. Trong phiên họp đầu tiên ở Hà Nội do Bác chủ tọa, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời. Ngày ra mắt của Chính phủ cũng là ngày chính thức tuyên bố độc lập. Bác đảm nhiệm viết “Tuyên ngôn độc lập”.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau phiên họp đó, tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Bác ngồi viết “Tuyên ngôn độc lập”. Ngôi nhà này của ông Trịnh Văn Bô – một thương gia yêu nước, một trong những cơ sở cách mạng tin cậy ở nội thành. Phòng Bác viết bản “Tuyên ngôn độc lập” vốn là một phòng ăn và tiếp khách của gia đình. Người ngồi viết trên một cái bàn tròn. Chiếc máy chữ của Người đặt trên một cái bàn vuông ở buồng bên cạnh. Người vừa viết vừa đánh máy. Mặc dù, sau một chuyến đi bộ từ Tân Trào về, Người rất mệt nhưng Người vẫn mải miết làm việc để kịp thông qua Thường vụ Trung ương và những cộng sự của mình trước khi đọc tại Quảng trường Ba Đình sáng 2-9-1945.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: “Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy”. Những người trong gia đình không biết Bác. Họ chỉ thấy ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi viết gì đó. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ chỉ quay lại mỉm cười, trò chuyện đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không thể ngờ rằng họ đang được chứng kiến những giờ phút lịch sử và được ngắm vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Tuyên ngôn độc lập được viết trong không khí “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, được viết trong hào khí cách mạng hừng hực từ Bắc chí Nam. Song, với nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm nhìn xa rộng, Người hiểu rằng Tuyên ngôn độc lập không chỉ là để tuyên bố với quốc dân, đồng bào về nền độc lập của nước nhà mà còn là cuộc tranh luận ngầm với những kẻ đang lăm le xâm phạm quyền độc lập của dân tộc. Lúc Người ngồi viết Tuyên ngôn độc lập cũng là lúc thực dân Pháp núp sau lưng quân đội Anh (vào giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng đồng minh) đang tiến vào Đông Dương. Ở miền Bắc, quân Tưởng – tay sai của đế quốc Mĩ đã chực sẵn ở biên giới để đổ quân vào nước ta. Chúng đã tung ra dư luận ăn cướp: Đông Dương là thuộc địa của Pháp. Bây giờ Đồng minh đã thắng phát xít, Đông Dương lại thuộc Pháp. Do vậy, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Người trích dẫn ngay bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của nước Mĩ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người khen đấy là “lời nói bất hủ”. Người “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Sự “suy rộng ra” thật hợp lí hợp tình. Giáo sư Singô Sibata đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của cả dân tộc”. Dáng một đòn như vậy cũng đã đủ, song Người còn viết tiếp: “Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do bình đẳng về quyền lợi”. Người khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Như vậy, Người đã dùng “gậy ông đập lưng ông”. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Người đã chỉ ra cho nhân dân thế giới thấy rõ tội ác man rợ của Pháp hơn 80 năm qua, trái với đạo lý. Lời văn chính luận của Người gọn, lôgic và sâu sắc mạnh mẽ. Người viết: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Người còn mang hùng khí của “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt) và thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi), mang “khí phách Trần Lê, oai vũ Quang Trung”. Chính vì vậy mà bản Tuyên ngôn đó thực sự có tác dụng to lớn. Viết Tuyên ngôn độc lập, quả là Người đã vận dụng lý lẽ đanh thép, lập luận chặt chẽ, luận cứ xác thực, chứa đựng nhiều chân lý lớn, có sức thuyết phục cao. Bản Tuyên ngôn độc lập ấy vừa viết bắng ý chí sắt đá, vừa viết bằng niềm sung sướng tự hào. Chính Người nói: “Đó là những giờ phút sung sướng nhất của Người”.

NGUYỄN KIM RẪN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.