Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 05:38:40

Những “đạo diễn” ở vùng biên

Ngày đăng: 26/07/2016

QK2 – Một sáng ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng Đại tá Nguyễn Văn Đô, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 345, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai đi kiểm tra những mô hình dự án trồng rừng, ngô, khoai, dứa… được đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tại các xã biên giới của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Những vạt đồi mà cách đây vài năm chỉ có cỏ dại và những viên đá, thì nay được khoác lên mình màu xanh ngút ngàn. Không những vậy, trong bữa ăn của người dân vùng biên giới này đã có thêm đĩa thịt, miếng cá kho; con trẻ có thêm những bộ quần áo mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 345 cùng nhân dân làm đường.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 345 cùng nhân dân làm đường.

Có được kết quả đó bắt nguồn từ việc triển khai hiệu quả các dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh mà cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 345 là những “đạo diễn” chính. Trong triển khai thực hiện các dự án, cấp ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 345 tiến hành theo phương châm: “Giúp dân nhưng không làm thay cho dân”. Theo đó, các dự án hỗ trợ người dân về cây giống, vật nuôi được đơn vị tiến hành theo phương pháp chuyển giao kỹ thuật tại chỗ. Ở mỗi cơ sở sản xuất đều xây dựng các mô hình thí điểm, vận động bà con đến tham quan, học tập. Tiếp theo, các dự án trên được tiến hành ngay trên chính ruộng nương, chuồng trại của đồng bào theo hình thức “làm mẫu, làm thử” rồi áp dụng đại trà. Kết quả các mô hình do đơn vị triển khai mang lại năng suất, chất lượng cao hơn phương pháp truyền thống của người dân địa phương, nên được nhân dân tin tưởng, làm theo. Từ đó, Đoàn tiến hành hỗ trợ vốn, giống cho nhân dân trồng hàng trăm héc-ta rừng, hàng nghìn héc-ta chuối, dứa, ngô, khoai, sắn cao sản; hướng dẫn bà con trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc, tạo bước chuyển căn bản từ phương pháp canh tác tự cấp, tự túc chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Bà Giàng Thị Mơ, ở thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có bộ đội Đoàn KT-QP 345 hướng dẫn, nên bà con chúng tôi đã biết cách chăn nuôi, trồng rừng, làm nương cho năng suất cao. Bây giờ dân bản không còn đói nữa; nhiều nhà có tiền mua được cả xe máy, ti vi rồi đấy”.

Không chỉ giúp đồng bào phát triển kinh tế, theo Đại tá Lương Tiến Dũng, Chính ủy Đoàn KT-QP 345 thì hằng năm, đơn vị còn cử hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt, ngay sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cán bộ, nhân viên đơn vị thường xuyên bám nắm địa bàn, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ổn định, kiện toàn tổ chức, nhanh chóng đi vào hoạt động. Đơn vị còn phối hợp với cấp ủy địa phương giới thiệu đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản để nắm bắt tình hình, tham gia giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đoàn cũng đã tham mưu cho cấp ủy địa phương làm tốt công tác phát triển Đảng, tạo điều kiện để thành lập chi bộ ở các thôn, bản; chấm dứt tình trạng bản trắng đảng viên và chi bộ ghép, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương.

Bằng những chủ trương, giải pháp nêu trên, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Đoàn KT-QP 345 thực sự trở thành điểm tựa vững chắc đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: VŨ VIẾT DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.