Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 06:34:13

Những “Cánh tay nối dài” của Đảng ở vùng biên Bát Xát

Ngày đăng: 01/12/2022

Kỳ 2: Những “ngọn lửa hồng” ở vùng biên

QK2 – Già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Bát Xát không chỉ là “cầu nối” giữa dân với Đảng mà còn là những người truyền lửa cách mạng đến với quần chúng nhân dân. Công việc thầm lặng hằng ngày của họ đã góp phần tích cực trong xây dựng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên.

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 345 tặng dê giống cho các hộ nghèo xã Nậm Chạc.

Theo ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội, nhất là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bởi đây là những người gần dân, thường xuyên theo sát thực tiễn cuộc sống thường nhật của đồng bào các dân tộc. Tiếng nói, việc làm của họ ở cơ sở rất có trọng lượng, bà con luôn tin và làm theo. Họ thực sự là những “cánh tay nối dài” của Đảng với bà con dân bản. Ngày nay, công nghệ thông tin hiện đại có nhiều tác động đến tư tưởng, tâm lý và giúp ích nhiều cho các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân. Trong mỗi trái tim khối óc của họ luôn tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, tất cả vì mọi người, vì cộng đồng, truyền tải những nội dung thiết thực nhất của Đảng, chính quyền đến với người dân.

Ông Nguyễn Trung Tuyến, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, trong những năm qua, Đoàn KT-QP 345 đã làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn huyện Bát Xát, Mường Khương xóa đói, giảm nghèo; đẩy lùi những hủ tục, lạc hậu, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, phát huy hiệu quả vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng đoàn thể trên địa bàn như: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… để nắm, quản lý địa bàn, làm công tác tuyên truyền vận động. Mỗi người là một tuyên truyền viên tích cực, là những người “vác tù và hàng tổng” được ví như những “ngọn lửa hồng” ở vùng biên.

Công tác dân vận là một nhiệm vụ rất quan trọng được Đảng ủy Đoàn KT-QP 345 xác định hằng năm; đã có nghị quyết chuyên đề, chỉ huy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tất cả các dự án, công trình, việc làm đều hướng đến người dân, đến vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong 2 năm qua, Đoàn KT-QP 345 đã triển khai 30 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, có nhiều mô hình đã đem lại kết quả tốt, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, có hộ trở nên khá giả, như: Mô hình nuôi dê, lợn đen bản địa, nuôi bò sinh sản, nuôi gà, vịt thương phẩm. Bên cạnh việc trích quỹ vốn tăng gia sản xuất giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng “Nhà tình quân dân”, Đoàn còn làm tốt công tác vận động các mạnh thường quân, những người hảo tâm tặng quà, chăn màn, quần áo ấm, đồ dùng học tập cho học sinh và người có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là vào dịp lễ, tết, khi đất nước, địa phương có sự kiện trọng đại. Bộ đội Đoàn KT-QP 345 thường xuyên thực hiện tốt phương châm “bốn cùng” với bà con dân bản, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; việc gì khó có bộ đội Đoàn 345. Với quan điểm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân”, mỗi cán bộ, chiến sĩ, tri thức trẻ tình nguyện của đơn vị không quản nắng mưa, gian khổ sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ nhân dân; khích lệ, động viên người dân bám đất giữ biên cương; chịu thương chịu khó lao động sản xuất, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như: Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, làm ma dài ngày, cúng bái khi có bệnh tật…

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Kết, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 345 khẳng định: Muốn làm tốt công tác dân vận thì cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần vận dụng, phát huy hiệu quả vai trò của người bản địa; của cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc; của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở; tìm hiểu kỹ về truyền thống lịch sử, văn hóa địa bàn đóng quân. Đặc biệt là vai trò của các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Từ đó giúp đơn vị có cái nhìn tổng thể, đánh giá đúng tình hình, nắm chắc địa bàn và từng hộ dân. Sau đó mới phối hợp xác minh cần làm dân vận việc gì trước, việc gì sau. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên gần gũi, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con dân bản nói chung và các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín nói riêng.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.