Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:15:17

Nhiều tác giả Quân đội được đề cử Giải thưởng cao quý về văn học, nghệ thuật

Ngày đăng: 27/04/2016

Trung tá, nhà văn Thu Bồn; Đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thiều; Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho; Đại tá, nhạc sĩ Thuận Yến; Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh…là những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Quân đội đã đóng góp vào thành tựu lớn của nền văn học, nghệ thuật nước nhà với những tác phẩm lan tỏa trong lòng công chúng trong nhiều chục năm qua; đồng thời là những cái tên được đánh giá hoàn toàn xứng đáng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lần này.

1. Tác giả của bài viết có vinh dự được góp mặt trong buổi ra mắt “Tuyển thơ Thu Bồn”, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hồi tháng 6-2015. Trong buổi gặp gỡ, ra mắt tập thơ, các bạn văn quân đội gồm: Ngô Thảo, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý hôm đó đều có chung ý kiến rằng, nhà thơ Thu Bồn chưa được tôn vinh xứng đáng với tài năng của ông, Thu Bồn xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Thu Bồn-đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu.

 Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh tại xã Điện Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; mất ngày 17-6-2003. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001. Thu Bồn vào bộ đội năm mười một tuổi và là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông làm phóng viên chiến trường Liên khu V, sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó “Bài ca chim Chơ Rao” vẫn được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông, và là bản trường ca đầu tiên của văn học giải phóng. Đây là khúc ca ca ngợi lòng yêu tự do, ý chí bất khuất của những con người Tây Nguyên. Ngoài những trường ca, tuyển tập thơ như “Tre xanh”, “Mặt đất không quên”, “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên”… Thu Bồn còn nổi danh với mảng tiểu thuyết qua tác phẩm “Những đám mây màu cánh vạc”, “Vùng pháo sáng”…

2. Đại tá, nhà văn Xuân Thiều (tên khai sinh là Nguyễn Xuân Thiều) sinh năm 1930; mất năm 2007. Sinh ra từ gia đình nông dân ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cuối năm 1959, ông về TCCT, sau đó về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông viết nhiều truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện phim, tiểu thuyết… đã xuất bản: “Đôi vai”, “Một người lính”, “Chiến đấu trên mặt đường”, “Từ một cánh rừng”, “Khúc hát mở đường”, “Gió từ miền cát”, “Tư Thiên”…

Đại tá, nhà văn Xuân Thiều.

3. Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933, ở làng Cót, Yên Hòa, Hà Nội. Ông nổi danh với vai trò vừa sáng tác thanh nhạc, sáng tác khí nhạc, vừa là một nhạc sĩ nghiên cứu. Nhạc sĩ Doãn Nho có thời gian gần nửa thế kỷ phục vụ tại Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Ông đã đóng góp cho nền thanh nhạc và khí nhạc nước nhà những tác phẩm đồ sộ như: “Sóng Cửa Tùng”, “Chiếc khăn piêu”, “Tiến bước dưới Quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, Giao hưởng số 1 “Tháng Tám lịch sử”,  Thơ giao hưởng số 2 “Thánh Gióng”…

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho. Ảnh: Châu Xuyên.

4. Đại tá, nhạc sĩ Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932 tại Quảng Nam; mất năm 2014. Ông nổi tiếng với những ca khúc kháng chiến thời kỳ cách mạng, và những tình khúc trữ tình sau khi đất nước thống nhất. Là một trong những nhạc sĩ của Đoàn Văn công TCCT, nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, hơn 500 tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến đã nằm lòng đông đảo người yêu nhạc các thế hệ, như “Mỗi bước ta đi”, “Bài ca tiếp vận”, “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, “Bác Hồ, một tình yêu bao la”, “Chia tay hoàng hôn”, “Màu hoa đỏ”, “Em tôi”, “Khát vọng”,…

Đại tá, nhạc sĩ Thuận Yến. Ảnh Châu Xuyên

5. Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh được giới biểu diễn nghệ thuật nước nhà biết đến từ khi là một diễn viên múa của Đoàn ca múa nhạc Quân đội (nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội), sau đó ông được Quân đội cử đi học biên đạo múa ở nước ngoài. Những tác phẩm do NSND Ứng Duy Thịnh đã đóng góp cho sự phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam, gồm: “Con đường ra chiến dịch”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Thư nhà”, “Pho tượng cổ”, “Bầu trời và lời ru”, “Bông lan trắng”… “Đất nước”…

Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh. Ảnh: Châu Xuyên

Ngoài những tên tác giả thuộc lực lượng văn nghệ sĩ Quân đội kể trên được đề cử danh sách tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thường Nhà nước năm 2016, còn nhiều tên tác giả cũng được đánh giá hoàn toàn xứng đáng:

Lĩnh vực Văn học: Nhà thơ Xuân Quỳnh-nữ nhà thơ với những tác phẩm giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau, khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như “Thuyền và biển”, “Sóng”, “Tự hát”, “Nói cùng anh”…

Nhà thơ Xuân Quỳnh-đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

 

Nhà văn Trần Hữu Mai (đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh) ảnh tư liệu.

Lĩnh vực Văn học còn có 29 đề cử Giải thưởng Nhà nước.Văn nghệ Dân gian: Đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao 16 Giải thưởng Nhà nước.

Âm nhạc: Đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh 6 nhạc sĩ khác: Chu Minh, Hoàng Hà, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Minh Tuấn, Đinh Ngọc Liên, Vũ Văn Ký; 29 Giải thưởng Nhà nước.

Nhạc sĩ Chu Minh.

Nhạc sĩ Hoàng Hà

Nhạc sĩ Trọng Bằng.

Điện ảnh: Đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với nhà làm phim Vũ Thị Lệ Mỹ; 24 Giải thưởng Nhà nước.

Sân khấu: 3 đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, gồm: Trần Đình Ngôn, Mịch Quang và Trần Bảng; 11 Giải thưởng Nhà nước.

Tác giả Trần Đình Ngôn.

Tác giả Mịch Quang.

NSND Trần Bảng.

Nhiếp ảnh: Đề cử tác giả Lương Nghĩa Dũng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 8 Giải thưởng Nhà nước

 Mỹ thuật: Đề cử tác giả Tạ Quang Bạo Giải thưởng Hồ Chí Minh; 8 Giải thưởng Nhà nước.

Họa sĩ Tạ Quang Bạo.

Lĩnh vực múa: 5 đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh khác, gồm: Chu Thúy Quỳnh, Lê Ngọc Canh, Nguyễn Thị Hiền, Vũ Việt Cường và Đặng Hùng; 5 Giải thưởng Nhà nước.

NSND Chu Thúy Quỳnh.

NSND Lê Ngọc Canh.

NSND Đặng Hùng.

Không có đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh lĩnh vực Kiến trúc, có ba hồ sơ Giải thưởng Nhà nước cho lĩnh vực này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ trong 15 ngày, kể từ ngày 25-4, để lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước.

(Theo CHÂU SA – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top