Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 02:35:54

Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6: Xây dựng gia đình quân nhân hạnh phúc, bền vững

Ngày đăng: 28/06/2023

QK2 – Gia đình là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thế hệ và từng thành viên. Ở đó mọi thành viên đều cảm thấy sự bình an, được yêu thương, che chở, có được niềm hạnh phúc, lòng kính trọng và đức hy sinh. Xây dựng gia đình Việt Nam nói chung, gia đình quân nhân nói riêng hạnh phúc, bền vững đó chính là nền tảng xây dựng một xã hội hạnh phúc, một quốc gia hạnh phúc.

Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang tổ chức toạ đàm “Xây dựng gia đình quân nhân hạnh phúc, bền vững”. (Ảnh: ĐĂNG NINH)

Chiều muộn một ngày cuối tháng 6, sau khi hoàn thành công việc chuyên môn ở đơn vị, Thiếu tá QNCN Đào Mai Anh, Nhân viên quân y Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 604, nhà ở tổ 14, khu 2, phường Vân Phú (TP. Việt Trì, Phú Thọ) lại trở về mái ấm nhỏ của mình. Có chồng là bộ đội, công tác tại Bộ CHQS tỉnh Lai Châu thường xuyên xa nhà, ít có thời gian, điều kiện dành cho gia đình, vì vậy việc chung, việc riêng của gia đình hai bên nội, ngoại, chị Đào Mai Anh đều sắp xếp ổn định để tập trung cho công tác chuyên môn và nuôi dạy con cái. 

Thiếu tá QNCN Đào Mai Anh chia sẻ. “Mặc dù công tác xa nhà, nhưng anh ấy thường xuyên gọi điện chia sẻ, động viên tôi vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống, cũng như định hướng việc học tập của các cháu, tôi cảm thấy luôn an tâm”.

Ở Đoàn KT-QP 379, gia đình Thiếu tá QNCN Giàng Thị Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ Đoàn KT-QP 379 là một trong những gia đình quân nhân tiêu biểu của đơn vị. Chị Tâm quê ở huyện Mường Chà (Điện Biên), chồng chị, Đại uý QNCN Ngô Huy Phong, Nhân viên báo vụ, Phòng Tham mưu Đoàn KT-QP 379, quê ở xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), cách đơn vị hàng trăm cây số. Mảnh đất biên giới như quê hương thứ 2 của mình, vợ chồng chị Tâm được Đoàn KT-QP 379 cho mượn mảnh đất gần đơn vị, gia đình chị xây ngôi nhà tạm ở bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ, Điện Biên) để tiện công tác. Chị Tâm cho hay, so với nhiều gia đình quân nhân khác, gia đình chị có nhiều thuận lợi hơn, khi cả vợ, chồng đều công tác cùng đơn vị. Mặc dù, bên nội, bên ngoại đều ở xa, không có nhiều thời gian chăm sóc cha mẹ, dù ông, bà đã nhiều tuổi, vợ, chồng chị Tâm luôn tự nhủ sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm gia đình quân nhân đang công tác ở các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu. Mặc dù vợ, chồng công tác cùng nhau, hay xa cách về địa lý, song từng gia đình quân nhân đều có sự yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau, được cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp họ an tâm công tác, cống hiến.

Trong xã hội hiện nay, đời sống hôn nhân gia đình Việt Nam chịu tác động bởi nhiều yếu tố: Kinh tế, văn hoá, xã hội, làm cho đời sống hôn nhân có nhiều biến đổi, gia đình quân nhân cũng không ngoại lệ bởi những tác động ấy. Do nhiều yếu tố, có lúc gia đình quân nhân rơi vào hoàn cảnh “cơm chẳng lành, canh không ngọt”. Nếu vợ, chồng không thấu hiểu, sẻ chia, nhường nhịn nhau rất dễ dẫn đến tình cảm “sứt, mẻ”, thậm chí hôn nhân đổ vỡ. Vì vậy, sự quan tâm của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, nhất là vai trò của vợ, chồng quân nhân trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững, để gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho mỗi quân nhân an tâm công tác, cống hiến, xây dựng tập thể là việc làm hết sức quan trọng. Xây dựng gia đình quân nhân hạnh phúc, từng thành viên gia đình cần biết quan tâm đến nhau, sống hoà thuận, có trách nhiệm, giữ gìn hạnh phúc bền vững.

Có thể thấy, xây dựng mối quan hệ hoà thuận trong gia đình quân nhân, từng thành viên cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mái ấm gia đình; biết cách điều hoà mối quan hệ. Thành viên gia đình quân nhân dù công tác, làm việc gần nhau, hay xa cách đều cần có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau. Một gia đình hạnh phúc, hoà thuận sẽ có tác động đến cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Được thể hiện bởi thái độ, hành vi, cách ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. Đó là, ứng xử với người trên phải tôn kính, lễ độ, khiêm tốn, quan tâm, chăm sóc; đối với người dưới cần thông cảm, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; đối với người cùng thế hệ cần hết sức tôn trọng, chân thành, bác ái; trong quan hệ vợ, chồng phải sống hoà thuận, trên cơ sở tình yêu thương, chung thuỷ, hiểu biết lẫn nhau.

CAO MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.