Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 04:59:50

Nhận diện căn bệnh “phai nhạt lý tưởng cách mạng”

Ngày đăng: 01/08/2022

QK2 – Cùng với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đã được chỉ ra trong thời gian qua, căn bệnh “phai nhạt lý tưởng cách mạng” đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tồn vong của chế độ và sự sống còn của Đảng. Chính vì vậy, nhận diện, khắc phục căn bệnh “phai nhạt lý tưởng cách mạng” là việc làm cần thiết trong công tác xây dựng Đảng và quá trình hiện thực hóa mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay.

Chiến sĩ Trung đoàn 754 (Bộ CHQS tỉnh Sơn La) tham quan, tìm hiểu truyền thống tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Như chúng ta đã biết, lý tưởng cách mạng “là một mục tiêu cao đẹp, một hình ảnh mẫu mực tương đối hoàn chỉnh có sức lôi cuốn con người vươn tới”. Đối với người cán bộ cách mạng, lý tưởng còn là biểu hiện tập trung nhất của đạo đức, nhân cách, nó có chức năng xác định mục tiêu, chiều hướng phát triển của cá nhân, là động lực thúc đẩy, điều khiển toàn bộ hoạt động của con người để thực hiện mục tiêu lý tưởng đó đề ra. Mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người… Đó cũng là lý tưởng mà mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tuyệt đối trung thành, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nguyện suốt đời cống hiến, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân tin tưởng và noi theo trong suốt hơn 90 năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay do yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân do thiếu tu dưỡng, rèn luyện mà sinh ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, dẫn đến thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống cơ hội, thực dụng. Trong đó, có không ít người đã mơ hồ, ảo tưởng với những chiếc “bánh vẽ” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch mà sinh ra phai nhạt lý tưởng cách mạng, dần dần dẫn tới nhận thức sai lệch, đi chệch khỏi “quỹ đạo” cách mạng; thậm chí thẳng thừng từ bỏ lý tưởng cách mạng, phản bội lại Tổ quốc, phản bội lại nhân dân và phản bội với chính lời hứa của bản thân mình khi được trở thành người cán bộ, đảng viên của Đảng là phải phấn đấu, cống hiến hết mình cho lý tưởng cách mạng, vì sự phát triển của xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Có thể thấy rằng, những biểu hiện rõ nhất của căn bệnh “phai nhạt lý tưởng cách mạng” đó là sự dao động, ảo tưởng, mơ hồ, hoài nghi, không còn tin vào mục tiêu cách mạng, tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó mất niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, mất phương hướng phấn đấu vươn lên… Từ phai nhạt lý tưởng cách mạng sẽ dẫn đến xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng, không kiên định con đường đi lên CNXH; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Cũng từ phai nhạt về lý tưởng cách mạng mà dẫn tới nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lười nghiên cứu, học tập lý luận chính trị và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Từ sự phai nhạt đó sẽ dẫn đến tệ a dua, phụ họa theo những quan điểm lệch lạc, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, không còn hết lòng vì nước, vì dân, vì tập thể cơ quan, đơn vị, dẫn tới không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa địa phương, vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” trái ngược với lý tưởng, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Do vậy, con đường từ phai nhạt lý tưởng cách mạng đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là rất ngắn, thậm chí là danh giới mong manh mà bài học nhãn tiền về sai phạm của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao ở một số bộ, ngành thời gian qua là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người.

Từ tác hại khôn lường của căn bệnh “phai nhạt lý tưởng cách mạng”, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải đề cao tự phê bình và phê bình, tự giác, tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao nhận thức lý luận chính trị; nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói và làm theo nghị quyết, hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, để thực hiện lý tưởng cách mạng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân; trong đó, phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, trước hết; lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích tập thể.

Do vậy, để phòng chống căn bệnh “phai nhạt lý tưởng cách mạng”, mỗi người cần phải kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng nghĩ trái, nói trái, làm trái chủ trương, nghị quyết của Đảng; đồng thời, phải kiên quyết, kiên trì, quyết liệt trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể đang nhen nhóm xuất hiện xung quanh tổ chức, cá nhân và người thân gia đình mình. Có như vậy mới phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, suốt đời kiên định, phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.