Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 01:58:49

Người thầy giữ hồn cho bản làng

Ngày đăng: 02/04/2019

QK2 – Vào một sáng đầu đông, trong cuộc hành trình dài xuất phát từ Hà Nội, Chúng tôi đã vượt hơn hai trăm cây số đường đèo quanh co, hiểm trở để đến gặp ông Đào Quang Tố, bản Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La). Ông là thầy giáo và là người giữ hồn cho dân bản trong suốt hơn 50 năm công tác của mình. Bởi lẽ trong quãng thời gian ấy, ông Đào Quang Tố đã sưu tầm, lưu giữ và phát huy được nhiều di sản văn hóa cổ của đồng bào Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu.

Ông Đào Quang Tố miệt mài bên những công trình nghiên cứu của mình.

Người thầy bén duyên với đồng bào Thái

Qua chuyện trò với chúng tôi, ông Đào Quang Tố giới thiệu ông sinh năm 1943, là người quê ở Việt Thuân,Vũ Thư (Thái Bình). Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào những năm 60 của thập kỷ trước, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình, ông xin vào làm trong Ty giáo dục tỉnh Thái Bình. Đến năm 1961 với lớp lớp thế hệ thanh niên cùng trang lứa theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Đào Quang Tố tình nguyện lên Sơn La dạy học để góp phần giúp đỡ đồng bào phát triển đời sống văn hóa mới. Ông Đào Quang Tố tâm sự với chúng tôi: “Năm 1959 Bác Hồ kêu gọi giáo viên, tri thức trẻ ở miền xuôi lên giúp nhân dân Tây Bắc mở rộng đời sống văn hóa mới, lúc bấy giờ thanh niên cả nước có hai sự lựa chọn, một là ra mặt trận đánh Mỹ, hai là lên vùng miền núi để phát triển kinh tế văn hóa. Nên khi ấy tôi đã lựa chọn lên vùng Tây Bắc để dạy học và được phân công về công tác ở Chiềng Hặc, Yên Châu (Sơn La)”

Những năm tháng thầy giáo Tố gieo mầm cái chữ trên bản làng của người Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu, đó là những tháng ngày gian nan, vất vả. Hoàn cảnh đói, khát chung cùng đồng bào và nhân dân lúc bấy giờ phải ăn củ mài, củ sắn đã vậy. Nhưng để truyền dạy con chữ cho đồng bào càng khó khăn gấp bội đối với ông, lớp học ngày ấy là dưới gầm nhà sàn tối tăm, ẩm thấp ở trong bản, phấn viết không có, ông Tố phải tận dụng cả than củi để viết, khó khăn lắm thầy và trò mới nối được con chữ lên bảng để đánh vần. Trong lớp học của thầy giáo Tố ngày ấy, thầy dạy tiếng phổ thông cho trò, còn ngoài giờ trò lại dạy tiếng Thái cho thầy, Ông Tố chia sẻ: “cái khó khăn lớn nhất đối với tôi lúc đầu là về ngôn ngữ để giao tiếp với đồng bào nơi đây. Mới đầu tôi không biết tiếng dân tộc Thái, nhưng cũng vì phải vận động học sinh đi học nên tôi mới học được tiếng của họ”. Giai đoạn khó khăn của thầy và trò là vậy, đến nay các lớp thế hệ học trò của ông Tố đã trưởng thành, có người trở thành lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện.

Nghiên cứu về văn hóa Thái

Bên cạnh việc dạy học ra, ông Đào Quang Tố còn tìm hiểu, sưu tầm về văn hóa của đồng bào Thái ở Chiềng Hặc, Yên Châu. Ông Tố không tự nhận mình là một nhà nghiên cứu về văn hóa, nhưng phần vì phải vận động học trò đi học, phần vì những di sản văn hóa của dân tộc Thái rất phong phú và đa dạng nên ông đã học, viết chữ và sưu tầm văn hóa của đồng bào nơi đây. Sau đó dần dần ông Đào Quang Tố nói chuyện với già làng, thầy mo, thầy cúng bằng tiếng bản địa để xây dựng lòng tin tưởng của dân bản trong làng, xã.

Năm 2017, ông Tố đã viết cuốn sách “Một vài lễ tục trong vòng đời của người Thái Yên Châu – Sơn La”, cuốn sách của ông đã được Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La thẩm định và xuất bản. Đây có thể nói là một công trình nghiên cứu của ông về những lễ tục, tập quán của dân tộc Thái đen Yên Châu. Ông Đào Quang Tố chia sẻ: “Người Thái có một nền văn hóa lâu đời và phong phú như các lễ hội, các tục lệ cưới hỏi, phương pháp dạy con, dạy cháu của các ông bà ngày xưa, cách thức ứng xử….Tôi không phải là người Thái nhưng tôi tiếc cho những di sản văn hóa Thái trước nguy cơ bị mai một dần, nên tôi mới sưu tầm và lưu giữ cho con cháu của họ”.

Một trong những công trình nghiên cứu được ông Đào Quang Tố sưu tầm và phục dựng lại đó là Lễ hội cầu mưa “xến xó phốn” của đồng bào Thái đen, được tổ chức thành công năm 2000 ở bản Nà Ngà, Chiềng Hặc. Với những tình cảm và công lao đóng góp của ông Đào Quang Tố đối với đồng bào dân tộc Thái ở xã Chiềng Hặc, ông đã được người dân nơi đây đặt cho một cái tên là “Quàng công”. Quàng là họ của người Thái mà các thế hệ cha, ông đã mang bao đời nay, còn công tức là công ơn, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với ông Đào Quang Tố của bà con dân bản mà không phải ai cũng được đặt tên như vậy.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Mai, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc khẳng định: ông Đào Quang Tố là một người say mê tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là dân tộc Thái Đen ở Yên Châu. Những công trình nghiên cứu của ông có ý nghĩa to lớn đối với việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa phi vật thể của người Thái. Như Lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái Đen đã được Viện Văn hóa trung ương và Hội Văn hóa dân gian nghiệm thu. Năm 2018 bộ chữ Thái cổ Yên Châu do ông sưu tầm, biên soạn đã được Phòng văn hóa huyện Yên Châu công nhận”.

Với những công trình nghiên cứu và lòng say mê, nhiệt huyết với các di sản văn hóa dân tộc Thái của ông Đào Quang Tố, giờ đây nhiều người đã tìm đến ông, coi ông như một pho từ điển sống của người Thái. Góp phần to lớn trong công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của đồng bào Tây Bắc nói chung và dân tộc Thái Chiềng Hặc, Yên Châu nói riêng.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.