Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 09:48:04

Người lính thợ say mê sáng tạo

Ngày đăng: 12/03/2018

Sau khi tốt nghiệp Trường TCKTQK với tấm bằng loại khá, Trung úy QNCN Nguyễn Trường Sơn, được điều động về công tác tại Đội Bảo quản TTG, Kho K5, Cục Kỹ thuật Quân khu. Là Kho kỹ thuật tổng hợp cấp chiến dịch, có nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ, niêm cất, tiếp nhận, cấp phát VKTBKT bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác của lực lượng vũ trang Quân khu, do đó thường trực trong suy nghĩ và hành động của Sơn là luôn xác định rõ chức trách, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trung úy QNCN Nguyễn Trường Sơn

Trên cương vị là thủ kho quản lý một số lượng lớn VKTBKT, bản thân Nguyễn Trường Sơn luôn phát huy tốt kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, từ những kiến thức đã được học ở trường kết hợp học thêm kinh nghiệm từ thực tế công tác. Sơn cũng thường xuyên tự học tập, nghiên cứu để nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật, nguyên lý hoạt động của các loại VKTBKT được giao quản lý, cùng đồng chí, đồng đội thực hiện tốt việc tiếp nhận, cấp phát, dồn dịch, sắp xếp và bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ, niêm cất VKTBKT theo đúng mệnh lệnh, đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Trường Sơn luôn trăn trở trước sự vất vả, nặng nhọc của người lính thợ khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật ở đơn vị Kho tổng hợp xe tăng, xe ô tô, súng pháo và vật tư đặc chủng. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và đơn vị đòi hỏi ở người lính thợ phải có lòng yêu nghề, sự sáng tạo và tinh thần vượt khó vươn lên làm chủ VKTBKT. Từ suy nghĩ đó, đã thôi thúc Sơn phải tìm cách nào đó để cho đồng đội đỡ vất vả hơn.

Trung úy QNCN Nguyễn Trường Sơn tâm sự: Mặc dù mất khá nhiều thời gian suy nghĩ, tìm tòi và nghiên cứu, làm đi làm lại nhiều lần, có những lúc thất bại tưởng chừng như buông xuôi nhưng hình ảnh đồng đội lưng áo đẫm mồ hôi trong khi làm nhiệm vụ cộng thêm những lời động viên khích lệ của đồng chí, đồng đội đã thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi những sáng kiến đã được ấp ủ. Và cuối cùng từ những kiến thức đã được học ở trường, kinh nghiệm từ thực tiễn, sự tận tình giúp đỡ của thủ trưởng đơn vị và của đồng chí, đồng đội đã mang lại thành công cho tôi. Từ năm 2014 đến nay, tôi đã có 3 sáng kiến: Sáng kiến “Giá đỡ tháo lắp loa che lửa pháo mặt đất”, “Thiết bị thông nòng pháo” và “Thiết bị tháo lắp lò xo bán tự động pháo mặt đất”.

Thực tế cho thấy, trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT, các công đoạn này thực hiện rất vất vả, tốn thời gian và nhân lực. Khi chưa có sáng kiến việc tháo lắp loa che lửa và thông nòng pháo mỗi lần thực hiện phải mất 7 đến 10 nhân công với thời gian từ 30 đến 35 phút; còn đối với tháo lắp lò xo bán tự động mất 3 nhân công, thời gian 20 phút; trong khi đó lại rất dễ xảy ra mất an toàn lao động… Từ khi có sáng kiến, việc tháo lắp loa che lửa và thông nòng pháo chỉ cần 3 nhân công, thời gian thực hiện 15 phút. Việc tháo lắp lò xo bán tự động chỉ cần 1 nhân công, thời gian 5 phút… Và điều quan trọng là rất an toàn cho người thực hiện. bên cạnh đó, chi phí để sản xuất sáng kiến ít, chỉ từ 500 đến 700 nghìn đồng cho 1 sáng kiến; vật liệu rễ tìm, có thể tận dụng vật liệu sẵn có tại đơn vị và một số ít có sẵn trên thị trường; chế tạo đơn giản vì vậy được áp dụng rất có hiệu quả tại đơn vị…

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, Nguyễn Trường Sơn luôn tích cực học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác; thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức người quân nhân cách mạng; khiêm tốn trong cuộc sống và nhiệt tình tham gia các hoạt động chung của đơn vị; yêu ngành, yêu nghề, thi đua mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc… Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2014 đến nay,  Nguyễn Trường Sơn vinh dự được các cấp khen thưởng, trong đó 3 năm liền được tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; đặc biệt, năm 2016, được trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân.

Bài, ảnh: VŨ THƯ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.