Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 04:51:21

Người làm thay đổi tập tục vùng đất bãi

Ngày đăng: 20/06/2018

QK2 – Có một người không chỉ thành đạt trong làm kinh tế gia đình mà còn có nhiều việc làm nhân nghĩa, góp phần thay đổi tập tục bao đời của người dân địa phương, từng bước thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ, đó là anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Đại Định, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vượt khó làm giàu và trăn trở với “nếp cũ” thôn quê

Xã Cao Đại hiện nay đường sá khang trang, sạch đẹp. Từ đầu thôn Đại Định hỏi thăm về nhà anh Tuấn “hỏa táng”, nhiều người dân đều biết và nhiệt tình chỉ giúp. Vậy nhưng trước đó tôi phải nhiều lần gọi điện và nhờ người quen tác động, anh mới nhận hẹn gặp để trò chuyện. Mặc dù việc làm nhân nghĩa của anh cả làng, cả xã và các xã lân cận đều biết, nhưng anh không muốn nói về mình, về những việc mà anh đã làm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn tuyền truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới.

Anh sinh năm 1977, trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng bãi xã Cao Đại. Học hết cấp 2, Nguyễn Văn Tuấn phải nghỉ học để phụ giúp gia đình việc đồng áng, chăn nuôi. Anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ bốc vác, phụ hồ, làm thuê, chăn trâu cắt cỏ… đến kinh doanh. Đến tuổi trưởng thành, anh lập gia đình và tiếp tục phát triển kinh tế. Công việc làm ăn thêm thuận lợi từ khi vợ chồng anh chuyển sang kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm. Mỹ phẩm vợ chồng anh kinh doanh có chất lượng bảo đảm, anh chị luôn đặt chữ tín lên hàng đầu với bạn hàng nên các đại lý, cửa hàng liên kết làm ăn ngày một nhiều thêm. Công việc kinh doanh thuận lợi, một số người bạn rủ anh lên thành phố sinh sống, làm ăn, nhưng anh và vợ không có ý định rời quê hương và chỉ mong muốn lập nghiệp tại quê nhà, góp phần xây dựng quê hương. Đặc biệt, anh Tuấn luôn trăn trở suy nghĩ phải làm gì để người dân quê mình xây dựng nếp sống văn minh hơn, nhất là trong việc tang lễ, cưới xin, góp phần giảm gánh nặng về chi phí tốn kém, nhất là đối với các hộ nghèo.

Sống ở quê, đã bao lần anh Tuấn tham dự các đám hiếu, cả trong dòng họ và người làng; rồi các đám sang cát (đổi mả, xây “nhà mới”). Anh nhận thấy nhiều đám hiếu thực hiện thủ tục lạc hậu, rườm rà, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, nhất là việc sang cát cho người đã khuất. Có người mất được chôn đã 3-4 năm, nhưng khi sang cát thi hài chưa phân hủy hết, con cháu hốt hoảng lại lấp đất xuống, hoặc rất vất vả trong việc làm sạch xương cốt để đưa vào tiểu sành. Những việc trên không những không bảo đảm vệ sinh mà còn ảnh hưởng đến tâm linh, tinh thần của những người đang sống. Thêm vào đó, quỹ đất để mở rộng nghĩa trang của thôn, xã ngày một khó khăn. Gia đình có người mất, sau mấy năm chôn cất, khi cải táng lại phải lo chuyện mời mọc, cỗ bàn rình rang tốn kém. Những gia đình kinh tế khó khăn thì việc sang cát quả là một mối lo. Anh Tuấn từng chứng kiến một số gia đình, khi lo sang cát cho cha mẹ xong, do chi phí tốn kém nhiều tiền bạc, các anh em trong gia đình “chia gánh” trách nhiệm, có khi còn dẫn đến va chạm, sứt mẻ tình cảm. Chưa kể, trong 3-4 năm chôn cất, nếu trong họ tộc không may có người qua đời thì lại phải kéo dài thêm 1-2 năm nữa, khiến con cháu cứ đau đáu nỗi lo, khi nào sang cát xong mới an lòng!

Anh Tuấn suy nghĩ, con người ta sinh ra rồi mất đi như một quy luật của tạo hóa. Sống nhờ đất, chết cũng nhờ đất. Phong tục nhà có người chết đem chôn đã có từ bao đời, không riêng gì ở thôn Đại Định hay xã Cao Đại mà phổ biến ở nhiều nơi, nhất là ở nông thôn, miền núi… Làm thế nào để vượt qua được tư duy, nếp nghĩ, phong tục tập quán bao đời, đó quả là một vấn đề “hóc búa” mà ngay trong nội bộ gia đình, họ tộc, anh cũng phải đấu tranh tư tưởng, bởi tư tưởng mỗi người, mỗi gia đình, họ tộc chưa thông thì khó mà thực hiện được.

Việc làm nhân nghĩa thay đổi tập tục lạc hậu

Năm 2012, trong họ tộc có người qua đời vì bệnh hiểm nghèo, anh Nguyễn Văn Tuấn đã cùng với anh em họ hàng bàn bạc việc đưa người quá cố đi hỏa táng. Lúc đầu cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng sau khi anh Tuấnphân tích về những nét văn minh, ít tốn kém khi hỏa táng, mọi người đều nhất trí. Bên cạnh đó, mọi nghi lễ phát tang, phúng viếng, truy điệu vẫn được tiến hành theo nghi thức truyền thống, phong tục của địa phương. Thấy việc hỏa táng rất văn minh, sạch sẽ, lại ít tốn kém nên một số người trong thôn, trong xã đã làm theo; tuy nhiên tỷ lệ thời gian đầu còn rất thấp (chỉ khoảng 5%); một phần do việc thuê xe, dẫn đường, hiệp đồng với cơ sở hỏa táng còn phức tạp, khó khăn nên một số gia đình không mấy mặn mà. Đó là chưa kể nhiều người còn băn khoăn, thậm chí một số cụ già còn dặn con cháu sau khi qua đời không được hỏa táng.

 Năm 2014, anh Nguyễn Văn Tuấn bàn với vợ bỏ ra gần 250 triệu đồng mua một xe ô tô 29 chỗ ngồi, sau đó về làm thủ tục hoán cải thành xe chuyên phục vụ chở người đã mất đi hỏa táng. Chiếc xe “chuyên dùng” này để ở khu vực nhà văn hóa xã; UBND xã Cao Đại trích phí làm lán mái tôn bảo quản xe. Nếu trong xã có người mất mà người nhà đề nghị đưa đi hỏa táng, anh Tuấn sẽ giúp miễn phí toàn bộ khâu vận chuyển, nhất là với những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Anh còn chủ động liên hệ với nơi hỏa táng để tạo thuận lợi cho gia đình nhận tro cốt về an táng. Có người thấy anh Tuấn nhiệt tình, trách nhiệm thì tỏ ra ái ngại, khi xong việc đến nhà muốn trả công, thanh toán tiền xăng dầu, nhưng anh Tuấn đều từ chối, không nhận tiền của bất kỳ ai.

Chi phí cho một người quá cố đi hỏa táng, ngoài việc anh Tuấn hỗ trợ miễn phí xe vận chuyển, UBND tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 5 triệu đồng, gia đình chỉ phải chi khoản tiền không nhiều để mua hương, hoa, áo quan, cách… Khi có người làng đề nghị giúp vận chuyển người quá cố đi hỏa táng, cho dù công việc có bận đến mấy, anh Tuấn cũng thu xếp thời gian trực tiếp lái xe chở đi. Anh chưa một lần lỗi hẹn, nhỡ nhàng với bất cứ gia đình nào.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều người dân, cán bộ ở xã Cao Đại, ai cũng khâm phục sự giỏi giang trong làm kinh tế và tấm lòng nhân nghĩa của vợ chồng anh Tuấn. Chị Phạm Thị Thu ở thôn Đại Định bày tỏ: Được anh Tuấn tuyên truyền, vận động, lại hỗ trợ toàn bộ khâu vận chuyển đi về khi hỏa táng người quá cố, nên nhiều người trong thôn, trong xã đã nghe và làm theo. Người này truyền tai người kia, cứ thế việc hỏa táng người quá cố ở xã Cao Đại được nhiều người dân hưởng ứng.

“Cuối năm 2015, mẹ chồng tôi qua đời, thọ 87 tuổi, được anh Nguyễn Văn Tuấn vận động và chở giúp đi hỏa táng. Gia đình tôi kinh tế khó khăn, nếu vẫn thực hiện chôn cất các cụ như phong tục cũ, tiếp đó lo chuyện sang cát cho cụ nữa thì quả là tốn kém, vất vả. May nhờ tấm lòng hảo tâm của anh Tuấn đưa cụ đi hỏa táng, không mấy tốn kém, lại rất văn minh” – chị Nguyễn Thị Lợi, ở xóm Đình, xã Cao Đại chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng thôn Đại Định, xã Cao Đại bộc bạch: Nhờ tấm lòng thiện nguyện của anh Nguyễn Văn Tuấn đã “khai sáng” cho phong trào hỏa táng người quá cố ở thôn Đại Định. Đến nay, tỷ lệ người quá cố của thôn được đưa đi hỏa táng khoảng 85% và trong toàn xã đạt khoảng 65%. Cũng nhờ vậy mà nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được người dân hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt là đám hiếu ở quê không còn làm cỗ bàn linh đình, bày biện thuốc lá, rải vàng mã dọc đường, góp phần thực hiện nếp sống mới ở địa phương. Việc làm của anh Tuấn có sức lan tỏa lớn, nhiều người thấy mình phải sống, làm việc nhân nghĩa, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Thị Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Cao Đại, khẳng định: Ngoài việc đầu tư mua xe, lo xăng dầu chở miễn phí người quá cố trong làng, xã đi hỏa táng, anh Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, anh thường tặng quà một số hộ nghèo; dịp hè thì ủng hộ quỹ hoạt động của Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, hoạt động thể dục-thể thao của xã. Anh Tuấn không chỉ giàu về kinh tế mà còn giàu lòng nhân ái, sống có tình cảm, trách nhiệm với quê hương, với bà con. Chính những nghĩa cử và sự hỗ trợ thiết thực của anh đã góp phần thúc đẩy các phong trào khác của xã Cao Đại phát triển.

“Mình xuất thân trong gia đình nghèo khó nên rất thấu hiểu sự thiếu thốn vất vả. Thấy một số người dân quê mình cứ nặng nề, luẩn quẩn trong việc lo hậu sự cho các cụ nên thấy áy náy lắm. Việc giúp đưa đón người dân đưa người thân đã mất đi hỏa táng không chỉ văn minh, sạch sẽ, thực hiện nếp sống mới, mà còn giúp bà con đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian lo chuyện chôn cất, sang cát cho các cụ” – chia tay tôi, anh Tuấn trải lòng rất mộc mạc như vậy.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN                        

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.