Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 07:25:38

Người Cao Lan với điệu Sình ca

Ngày đăng: 01/03/2023

QK2 – Mùa xuân – mùa của cỏ cây đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái; mùa của vạn vật sinh sôi; mùa của đất trời thay màu tươi mới; mùa bén duyên của tình yêu đôi lứa… Với người dân Cao Lan (tỉnh Tuyên Quang), mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa vui nhất trong năm, mùa của làn điệu Sình ca được dịp “phiêu du”, dập dìu lan tỏa đi khắp muôn nơi.

Người Cao Lan (Tuyên Quang) hát Sình ca đối đáp giao duyên.


Sình ca là lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ; được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: Hát trong đám cưới, ngày hội, hát khi Tết đến, Xuân về, hát trong lao động sản xuất, hát ru con của người mẹ… Sình ca chất chứa sâu đậm tình yêu quê hương đất nước, vạn vật cỏ cây, tình yêu đôi lứa, thể hiện những khát vọng về cuộc sống an bình, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa. Nhiều hơn nữa, Sình ca còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh đầy đủ, chân thực cuộc sống sinh động hiện tại, đây được ví là linh hồn trường tồn của người Cao Lan.
Theo các tài liệu nghiên cứu, Sình ca của người Cao Lan ở Tuyên Quang được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày thường được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, trong lao động sản xuất… Khi Xuân về, người Cao Lan thường tổ chức lễ hội tại sân đình, nhà văn hóa. Sau phần tế lễ Thành Hoàng làng, mọi người lại cùng nhau hát múa Sình ca. Sình ca trong hội xuân gồm các bước: Vèo ca (hát gọi), Sạo ca (hát dạo đầu), Mầng ca (hát thề thốt). Ngày nay, Sình ca được sáng tác theo nhiều lời mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước… Sình ca ban đêm phong phú, đặc sắc hơn nhiều, thể hiện đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của con người. Thể loại này được viết bằng chữ Hán Nôm, gồm 12 tập, mỗi tập có chủ đề riêng và tương ứng với một đêm hát. Vì thế, khi diễn đủ, Sình ca ban đêm thường được kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tuỳ theo quy mô tổ chức, nội dung và tính chuyên nghiệp của từng nhóm.
Câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã ngự trị trong trái tim biết bao con người, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nét văn hóa đặc sắc ấy đã và đang góp thêm một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Đó là niềm tự hào để mỗi người dân Đất Việt nói chung luôn trân quý, gìn giữ và phát huy.
GIA NGỌC (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.