Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:41:08

Nghĩa tình đồng đội trên quê hương đất Tổ

Ngày đăng: 27/07/2018

QK2 – Bằng tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc dành cho các Anh hùng liệt sĩ, hơn 5 năm trở lại đây, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh Phú Thọ thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tư vấn, hướng dẫn, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp hàng trăm gia đình trên địa bàn tỉnh tìm thấy thân nhân của mình đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh và lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện Thanh Thủy trao quà tới thân nhân các gia đình liệt sĩ. Ảnh: ANH TUẤN

Niềm an ủi của gia đình người có công

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, trú tại khu 7, phường Nông Trang, TP Việt Trì (Phú Thọ) trước thềm kỉ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7, chúng tôi được ông phấn khởi cho biết, thân sinh của ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 2-1965, hy sinh tại mặt trận phía Nam mới đây đã được quy tập về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, xã Hùng Lô, TP Việt Trì. Trước đó, suốt mấy chục năm, gia đình không có tin tức gì của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, chỉ biết ông đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Trước tình hình đó, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ đã tận tình giúp gia đình liên hệ với các đơn vị từng có thời gian chiến đấu tại Quảng Nam Đà Nẵng (cũ), Bộ tư lệnh Quân khu 5 và ngành lao động thương binh xã hội địa phương. Với sự vào cuộc giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, khoảng tháng 8-2014, gia đình ông Thanh đã tìm thấy một ngôi mộ tại tỉnh Quảng Nam, nhưng chỉ có thông tin duy nhất, tên: “Thịnh”, quê “miền Bắc”. Rất may kết quả giám định AND đã khẳng định liệt sĩ “Thịnh” chính là người thân của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, đồng thời được đính chính cụ thể thông tin về liệt sĩ trên bia mộ, sau đó được quy tập về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Trường hợp thứ hai cũng khá đặc biệt, đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, quê ở khu 4, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), chiến sĩ Đại đội 45, Tiểu đoàn 84, Sư đoàn 308, hy sinh năm 1954 tại mặt trận Điện Biên Phủ. Theo Đại tá Lê Phát Tịnh, Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ, hàng chục năm qua, cháu ngoại của liệt sĩ Nguyễn Văn Lập là anh Hoàng Văn Đạt, trú tại khu 4, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa đã gửi đơn đề nghị cung cấp thông tin về trường hợp hy sinh của ông ngoại mình đến nhiều cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương nhưng không có kết quả. Gần 60 năm từ ngày ông Lập hy sinh, gia đình cũng chưa nhận được giấy báo tử, chưa được hưởng bất cứ chế độ gì. Tháng 5-2012, tìm đến Hội HTGĐLS Phú Thọ, gia đình anh Đạt được Hội phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giải mã kí hiệu quân sự, xác định ông Lập đúng là chiến sĩ của Sư đoàn 308. Từ kết quả này, Cục Chính sách (TCCT) đã cử đoàn công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, Sư đoàn 308, các nhân chứng lịch sử tiến hành rà soát, thẩm định lại cách chặt chẽ về trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Văn Lập. Sau khi có đầy đủ cơ sở khẳng định ông Nguyễn Văn Lập đi dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó nhập ngũ vào Đại đội 45, Tiểu đoàn 84, Sư đoàn 308, tham gia chiến đấu và hy sinh tại mặt trận Điện Biên Phủ, đến tháng 12-2015, liệt sĩ Nguyễn Văn Lập được truy tặng liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Anh Hoàng Văn Đạt xúc động bày tỏ: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng mà gia đình tôi đã tìm được thông tin về ông ngoại. Điều này giúp gia đình được an ủi rất nhiều, đồng thời khẳng định sự đóng góp xương máu của ông tôi đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Hết lòng vì đồng đội, quan tâm đúng đối tượng chính sách

Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn tỉnh Phú Thọ có hơn 18.000 người con ưu tú đã ngã xuống. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu thống kê chính xác có bao nhiêu liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang; trong số các liệt sĩ được quy tập có bao nhiêu liệt sĩ có danh tính trên bia mộ; còn bao nhiêu liệt sĩ quê hương chưa tìm thấy hài cốt ở các chiến trường, các mặt trận. Đó là những trăn trở thường trực của các cấp, các ngành ở địa phương, của các đồng chí trong Ban chấp hành Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ. Theo Đại tá Trần Khánh Toàn, Chánh Văn phòng Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ, nguyện vọng tha thiết của các gia đình liệt sĩ nói chung luôn mong muốn được đưa hài cốt người thân của mình về an táng tại nghĩa trang quê hương. Các gia đình không có thông tin gì về thân nhân của mình lại càng mong mỏi hơn bao giờ hết. Do đó, bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm với những người đã nằm xuống, những năm qua, Hội HTGĐLS tỉnh luôn tích cực hỗ trợ các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính bằng cách giám định AND; tư vấn, hướng dẫn cho các gia đình đính chính những sai lệch về thông tin liệt sĩ.

Để có cơ sở tư vấn, hướng dẫn cho các gia đình liệt sĩ một cách hiệu quả, đội ngũ cán bộ, hội viên Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ thường xuyên cập nhật, nắm chắc nội dung các văn bản mới nhất về chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến liệt sĩ, gia đình liệt sĩ; lập trang Facebook “Tri ân liệt sĩ”, phản ánh các hoạt động của Hội nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin về liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, Hội đã tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn cho gần 1.000 lượt thân nhân liệt sĩ tiến hành các thủ tục đề nghị cấp lại giấy báo tử, làm thủ tục đi thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ, giám định AND, đăng kí chế độ nghỉ dưỡng, đề nghị công nhận liệt sĩ và thụ hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định. Hội cũng thường xuyên phối hợp với Bộ CHQS các tỉnh để trích lục thông tin ban đầu của liệt sĩ cung nhằm cấp cho các gia đình, làm cơ sở giúp các gia đình tìm kiếm qua phương pháp thực chứng và giám định AND, góp phần giảm thiểu tình trạng thân nhân liệt sĩ tìm kiếm thông tin thông qua các nhà ngoại cảm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, Thường trực Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ còn thường xuyên kết nối với cơ quan chính sách các quân binh chủng, Bộ CHQS các tỉnh, thành trong toàn quốc, Ban liên lạc truyền thống, bạn chiến đấu, các cựu chiến binh trong tỉnh đi thăm lại chiến trường xưa, nhất là ngành LĐTBXH các tỉnh nhằm xin thông tin liệt sĩ quê Phú Thọ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang trong toàn quốc. Tính đến tháng 7-2018, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ đã có đầy đủ thông tin về danh tính của 3.429 liệt sĩ ở các nghĩa trang trên toàn quốc; có thông tin ban đầu, như: Nơi hy sinh, trường hợp hy sinh, nơi an táng ban đầu của 1.873 liệt sĩ. Từ số liệu này, Hội tiến hành lập danh sách các liệt sĩ theo quê quán để tiện cung cấp, tư vấn, hướng dẫn cho các thân nhân liệt sĩ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Phát Tịnh, Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ cho biết, những năm qua, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội HTGĐLS Việt Nam, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ, Viện Công nghệ sinh học, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) tổ chức lấy mẫu sinh phẩm để giám định AND cho 70 thân nhân liệt sĩ có con em hy sinh, đang yên nghỉ tại tại nghĩa trang Anh Sơn (Nghệ An), đến nay đã 7 liệt sĩ đã có kết quả đúng, được trao tận tay các gia đình. Trong 5 năm trở lại đây, Hội cũng trực tiếp hướng dẫn cho trên 50 thân nhân liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm để giám định AND xác định danh tính và cho kết quả đúng 23 trường hợp, gia đình đã làm các thủ tục di chuyển hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Ngoài ra, Hội cũng tiếp nhận, xem xét và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, công nhận cho 12 trường hợp được hưởng chế độ về liệt sĩ. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Hội tiến hành hỗ trợ, dự đón, truy điệu và an táng 8 hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà; tư vấn, hướng dẫn trực tiếp 24 gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin, làm thủ tục xin sao lại giấy báo tử; phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ cung cấp danh sách 60 liệt sĩ có đầy đủ thông tin trên bia mộ.

Được biết, bên cạnh chức năng chính là tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các gia đình liệt sĩ, từ khi thành lập đến nay, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ còn tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiến hành nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tri ân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tính đến tháng 7-2018, bằng số tiền huy động từ nguồn xã hội hóa, Hội đã phối hợp với các địa phương xây tặng 4 nhà tình nghĩa cho 4 gia đình liệt sĩ, trị giá hơn 300 triệu đồng; tặng 30 sổ tiết kiệm cho 30 gia đình liệt sĩ, trị giá 5 triệu đồng/sổ; hỗ trợ các gia đình di chuyển 46 hài cốt liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 800 suất quà cho thân nhân liệt sĩ…. Với tổng trị giá gần 2 tỉ đồng. Dịp kỉ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, Hội cũng phối hợp với các huyện trên địa bàn tặng 920 suất quà cho 920 thân nhân liệt sĩ, mỗi suất trị giá 500 đồng.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.