Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 05:49:45

Nghi binh trong Chiến dịch Tây Bắc

Ngày đăng: 22/07/2018

QK2 – Ngày 10 tháng 8 năm 1952, Ban chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc đã họp quyết định một số công việc cần được gấp rút triển khai, trong đó có việc xây dựng kế hoạch nghi binh, bảo vệ, bảo mật phòng gian. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, trước khi bước vào một chiến dịch lớn chúng ta có hẳn một kế hoạch nghi binh được xây dựng bài bản, chi tiết và khoa học đến như vậy. Trong kế hoạch xác định rõ: Ở trung du lấy Vĩnh Phúc làm hướng nghi binh chính. Trên tất cả các hướng đều phải duy trì hoạt động liên tục của các tổ trinh sát vũ trang. Bí mật mở các cung đường mới, sửa chữa đường cũ; bố trí hệ thống kho tàng. Tổ chức tập trung dân công. Tổ chức di chuyển quân thật rầm rộ trên các hướng nghi binh để đánh lạc hướng phán đoán của địch…

Bộ đội ta tiến quân vào chiến trường Tây Bắc năm 1952.

Cùng với việc tổ chức các cuộc hành quân nghi binh rầm rộ và gia tăng hoạt động tại các vùng đồng bằng Liên khu 3 và trung du, bên cạnh việc các đài  vô tuyến của các đại đoàn chủ lực vẫn dùng mật mã cũ nhằm thu hút, đánh lạc hướng chiến dịch đối với địch thì Bộ Tổng Tham mưu đã cho thay đổi bộ luật mật mã mới dùng tại các mặt trận; các đơn vị, cán bộ chỉ huy các cấp đều liên lạc với nhau qua mật danh. Việc tu bổ đường sá lên Tây Bắc được tiến hành từ nơi xa địch trước; các chân hàng đều được tập kết ở bên tả ngạn sông Hồng chờ khi mở màn chiến dịch mới vận chuyển vào theo các hướng tiến công. Là một chiến dịch có lực lượng tham gia lớn nhưng quá trình cơ động vào vị trí tập kết của tất cả các đơn vị kể cả bộ đội và dân công đều diễn ra vào ban đêm và không bám theo các trục đường chính. Các khu vực tập kết lực lượng, các bến bãi vượt sông… đều được lựa chọn kỹ càng và được “làm sạch địa bàn từ trước”.

Chiến dịch được mở màn bằng những trận đánh nhỏ tiêu diệt những vị trí vành ngoài của Nghĩa Lộ… Xét phạm vi toàn cục có sự phối hợp hoạt động khá hiệu quả của mặt trận vùng châu thổ sông Hồng với mặt trận chính Tây Bắc; trong phạm vi chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động nội tuyến với ngoại tuyến (tổ chức vu hồi sang hướng Tây) buộc địch phải bị động đối phó cả phía trước lẫn phía sau.

Có thể nói, trong Chiến dịch Tây Bắc do kết hợp tốt giữa hoạt động nghi binh với công tác phòng gian, giữ bí mật nên ta đã làm cho kẻ địch liên tục phạm sai lầm trong phán đoán cả về chiến lược và chiến dịch.  Đây được coi là thành công lớn của công tác nghi binh, bảo vệ, bảo mật phòng gian trong Chiến dịch Tây Bắc mà các chiến dịch trước đó chưa bao giờ đạt tới.

THU HUYỀN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.