Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 03:12:24

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: Yêu thương và chia sẻ

Ngày đăng: 20/03/2020

QK2- Dịp 20/3 hằng năm, theo khoa học thiên văn, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau được coi là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Chính vì lẽ đó, từ nhiều năm nay, Ngày 20/3 được lấy làm Ngày Hạnh phúc trên phạm vi toàn cầu.  


Nước Bhutan, quốc gia nằm ở khu vực Nam Á là cái nôi của ngày Quốc tế Hạnh phúc. Bắt đầu từ những năm 1970, vương quốc Bhutan đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế. Chỉ số hạnh phúc của quốc gia được dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.  

Hạnh phúc gia đình Thiếu tá Phan Văn Thực, cán bộ thuộc Sư đoàn 316.


Năm 2012, Liên Hợp Quốc chính thức lấy ngày 20/3 hàng năm làm ngày Quốc tế Hạnh phúc. Tính đến nay, đã có 193 quốc gia trong đó có Việt Nam là thành viên cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.


Ngày 26/12/2013, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm”. Từ đó đến nay, Việt Nam chính thức hưởng ứng, tham gia các hoạt động của Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 


Năm 2019, trên cơ sở các chỉ số hạnh phúc, Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo xếp hạng 156 nước dựa trên sáu yếu tố giúp tạo nên cuộc sống hạnh phúc: thu nhập, tự do, niềm tin, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự rộng lượng. Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách này.


Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay là “Yêu thương và Chia sẻ”. Tại nhiều địa phương, cùng với các hoạt động phòng chống dịch Covid đã diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng như tổ chức Tuần lễ Hạnh phúc, "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", tuyên truyền chỉ số, hành động thiết thực, cụ thể, các hoạt động thăm hỏi, động viên trong gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị; các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các cá nhân, gia đình, cộng đồng còn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới trên tinh thần yêu thương và chia sẻ; vinh danh các tổ chức, cá nhân, có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng… qua đó góp phần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm gìn giữ, lưu truyền và phát huy tình cảm hạnh phúc của gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.     


Đối với gia đình của cán bộ chiến sĩ, do điều kiện công tác, đại đa số vợ chồng, con cái xa nhau; việc chăm sóc, xây dựng cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc cần cụ thể hóa phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh. Điều quan trọng nhất là sự hy sinh vì vợ, vì chồng, vì con cái để có những mô hình gia đình quân nhân hạnh phúc.

Bài, ảnh: VIỆT KHỔI
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.