Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 09:03:48

Nâng cao ý thức bảo đảm an ninh mạng

Ngày đăng: 09/04/2018

Bước sang thế kỷ 21, loài người bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những phát triển vượt bậc, mang tính đột phá như: Công nghệ điện toán đám mây, máy tính lượng tử, rô-bốt thông minh mang trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật… Những thành tựu ấy làm ứng dụng không gian mạng thay đổi sâu sắc, mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế tri thức của tất cả các quốc gia và cho các lĩnh vực hoạt động trong đời sống con người.

Đối với Việt Nam, khoa học và công nghệ được xác định là một trong những khâu trọng tâm của quá trình CNH, HĐH. Đảng coi đây là quốc sách hàng đầu, là “ngành kinh tế mũi nhọn”, là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước.

Theo thống kê, Việt Nam hiện đã có hơn 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 53% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64% và nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

Bên cạnh những mặt tích cực trong sự phát triển của Internet, nhiều mặt trái, hạn chế, hệ lụy từ  Internet, mạng xã hội đã và đang diễn ra. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh thông tin đang là một trong những vấn đề được ưu tiên toàn cầu, trong khu vực và đối với mỗi quốc gia.

Ở cấp độ toàn cầu và khu vực từng diễn ra các hoạt động tấn công, thu thập thông tin tình báo qua mạng, tác động tâm lý, hướng lái ý thức qua mạng; thậm chí nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ các cuộc “chiến tranh mạng” giữa các quốc gia, các “chiến dịch xâm lược bằng công nghệ”, nhất là với các quốc gia đi trước hoặc đang có lợi thế hơn về trình độ công nghệ cao.

Đối với Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Internet phát triển trong nước, cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn từng cảnh báo “Lượng thông tin xấu, độc trên       Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều như: Thư rác, tin xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, xúc phạm danh phẩm cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, các vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin, mã độc, tống tiền nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện đang gia tăng cả về số lượng và quy mô”.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2016 đã có khoảng 145 nghìn cuộc tấn công mạng khác nhau nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam với ba loại hình chính là lừa đảo, mã độc và thay đổi giao diện, gây thiệt hại hơn 10 nghìn tỷ đồng; hơn 10 nghìn trang/cổng thông tin điện tử bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, cài mã độc và hơn 70% số máy tính bị lây nhiễm. Còn năm 2017, Việt Nam ghi nhận khoảng 14.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin mạng, bao gồm tấn công lừa đảo, cài phần mềm. Có thể nói, Internet và mạng xã hội là phương tiện chủ yếu để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đây là môi trường rất dễ phát tán thông tin xấu độc, bịa đặt, không được kiểm chứng. Tại một phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cuối năm trước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã phân tích, thông tin xấu độc gồm thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc, đòi lật đổ chế độ; thông tin độc hại xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân khi khai thác quá nhiều đời tư; thông tin gây phương hại cho sức khỏe tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người.

Sở dĩ có tình trạng này là do nhận thức của người sử dụng, họ cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, các trang mạng xã hội ở nước ngoài hoặc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, vì thế dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin xấu độc còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, văn hóa, ý thức đảm bảo an ninh, an toàn thông tin với người sử dụng các thiết bị truy cập Internet, mạng xã hội cũng là vấn đề cần bàn đến. Nhiều cán bộ, chiến sĩ tự do đăng tải hình ảnh cá nhân mặc quân phục, thông tin các hoạt động của cá nhân và đơn vị theo kiểu “tự sướng” để thông tin, khoe với bạn bè, người thân trên mạng xã hội. Việc làm đó vô hình chung làm lộ, lọt bí mật quân sự cũng như các vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Mặt khác, việc sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, USB… chứa các nội dung liên quan hoạt động của đơn vị để truy cập, kết nối mạng cũng làm tăng nguy cơ bị tấn công, đánh cắp dữ liệu.

Có thể nói, công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, là nhiệm vụ và yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định của các cấp về đảm bảo an ninh, an toàn khi sử dụng Internet và mạng xã hội, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức đầy đủ về nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng; không sử dụng các phương tiện điện tử phát tán, bình luận, chia sẻ các thông tin, tài liệu, bài viết, hình ảnh có nội dung trái với thuần phong, mỹ tục; trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân đội; không giới thiệu, sử dụng tên, hình ảnh, phiên hiệu đơn vị lên mạng xã hội, dù đó là trang mạng của cá nhân.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.