Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 11:54:10

Nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, ứng phó

Ngày đăng: 19/08/2019

Quá trình tìm hiểu tại một số đơn vị, địa phương, chúng tôi được biết, do chủ động làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, triển khai nhiệm vụ cụ thể, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) nên các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn (CHCN), tham mưu đề xuất kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.

Trong năm 2018 và 7 tháng năm 2019, các đơn vị đã kịp thời tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả các sự cố, thiên tai, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Đáng chú ý, quá trình làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái và Phú Thọ, Quân khu 2 đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực cùng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên; nhiều trang bị, phương tiện hiện đại phục vụ CHCN… Các lực lượng đã di dời hơn 7.700 hộ dân từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tìm kiếm được 49 nạn nhân mất tích trong các vụ sạt lở, mưa lũ; sửa chữa hơn 350 ngôi nhà; thu dọn hàng nghìn mét khối bùn, đất đá; tiếp nhận, vận chuyển 22 tấn hàng hóa cứu trợ tới nhân dân… góp phần giúp bà con từng bước ổn định đời sống.

Dẫn chúng tôi đi khảo sát tại “rốn lũ” thuộc khu vực phường Nguyễn Thái Học và các tuyến đường của phường Hồng Hà, TP Yên Bái, Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Yên Bái kể: "Với lượng mưa lớn trên lưu vực sông Thao nên ở các huyện vùng núi như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình… luôn có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, còn ở vùng trũng thuộc huyện Trấn Yên và TP Yên Bái thì sẽ xảy ra ngập lụt. Để chủ động trong các phương án PCTT, trước mùa mưa, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên rà soát xác định các khu vực xung yếu, nhất là các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt để triển khai phương án di dời…". 

Bài 2: Nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, ứng phó (Tiếp theo và hết)
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2 tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái).

Có địa thế và thủy văn gần giống với Yên Bái nên tại các khu vực đồi núi cao, địa hình dốc như các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê… của tỉnh Phú Thọ cũng thường trực nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cao. Còn tại các huyện: Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa… lại dễ xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ. Chia sẻ về kinh nghiệm PCTT của đơn vị mình, Thượng tá Trần Nho Lương, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Ngay từ đầu mùa mưa bão, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, canh gác nhằm phát hiện các sự cố, hư hỏng của hệ thống đê, kè để có biện pháp xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn, sẵn sàng huy động, triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện làm nhiệm vụ CHCN ngay khi có tình huống xảy ra".

Bài 2: Nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, ứng phó (Tiếp theo và hết)
Lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái huấn luyện cứu nạn trên sông.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, có được những kết quả trên là do cấp ủy, chỉ huy các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động trong tổ chức thực hiện các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cơ quan chức năng các cấp có liên quan đến công tác PCTT, TKCN. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp không ngừng được tăng cường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thường xuyên kiện toàn ban chỉ huy PCTT, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên trách về CHCN luôn được củng cố và phát huy trách nhiệm, đủ khả năng xử trí các tình huống thiên tai. Khi có dấu hiệu bất thường, các chế độ trực được duy trì nghiêm túc, bảo đảm theo dõi nắm chắc diễn biến, dự báo chính xác các địa điểm, các vùng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố. Thông tin được thông báo sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để người dân chủ động phòng tránh. Khi có tình huống xảy ra, các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện ứng phó trên cơ sở phương châm "4 tại chỗ", các giải pháp đưa ra bảo đảm phù hợp với thực tế từng địa phương nên công tác CHCN, khắc phục hậu quả đạt được hiệu quả cao, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Hiện đang là thời gian cao điểm về bão lũ và công tác PCTT. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác PCTT, TKCN, chúng tôi cho rằng các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm PCTT cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đồng thời, duy trì nghiêm canh trực ở các cấp, nhất là việc tiếp nhận, xử lý thông tin về thiên tai và các điện thông báo, dự báo, chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và các nguy cơ thiên tai có thể xảy ra, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử lý tình huống khi có lệnh. Các cơ quan, đơn vị cũng cần rà soát toàn bộ kế hoạch, phương án bổ sung các giải pháp phòng, chống cho sát tình hình thực tế địa bàn; tổ chức huấn luyện chặt chẽ, bảo đảm cho bộ đội có trình độ, năng lực phù hợp với từng nhiệm vụ. Nắm chắc và quản lý chặt chẽ lực lượng, phương tiện, vật chất, có kế hoạch điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị. Việc trước mắt là phải kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng các hồ đập, đê kè và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các khu vực trọng điểm về sạt lở đất, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét để có biện pháp di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi sự cố, thiên tai xảy ra…

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.