Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 12:57:33

Mùa Xuân nghĩ về trách nhiệm nêu gương

Ngày đăng: 03/02/2019

QK2 – Sức mạnh chiến đấu và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng được khẳng định qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. Sức mạnh và truyền thống vinh quang ấy đã trở thành huyền thoại bách chiến, bách thắng trước mọi kẻ thù xâm lược. Nhiều học giả của phía bên kia, từ rất nhiều năm đã dày công nghiên cứu để tìm lời giải đáp, những nhân tố nào đã làm nên truyền thống vinh quang và sức mạnh huyền thoại ấy? Họ không biết rằng, vẫn là những con người trong vai trò hạt nhân, nhưng trong đội ngũ của đội quân huyền thoại ấy không chỉ đơn thuần là những người lính; mà đó là đội hình siết chặt, gắn bó với nhau lớp lớp, điệp trùng, đội ngũ của những người quân nhân cách mạng luôn ngời sáng trong hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. 75 năm chiến đấu, trưởng thành, được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đội quân ấy luôn giữ vững và phát huy truyền thống, bản chất cách mạng để làm nên chiến thắng.
Và hôm nay, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN, chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống ấy? Phải làm gì để xây dựng và giữ gìn sức mạnh của một đội quân nếu không phải từ việc xây dựng, rèn luyện mỗi con người? Những con người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân. Ai sẽ là người hàng ngày, hàng giờ vun đắp, xây dựng phẩm chất, nhân cách ấy cho bộ đội của mình nếu không phải là đội ngũ cán bộ chủ chốt, chủ trì các cấp? Và phương pháp, cách thức bồi dưỡng, giáo dục trực quan, sinh động nào tốt hơn là bản thân mỗi cán bộ chủ chốt, chủ trì là một tấm gương?
Đúng một thế kỷ trước, năm 1919, sau tám năm bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên sử dụng cái tên Nguyễn Ái Quốc để ký, gửi bản yêu sách tám điểm đến Hội nghị Véc-sai của các nước đế quốc tại thủ đô Pari hoa lệ. Đây là hội nghị của các nước đế quốc nhằm mục đích chia lại thị trường và quyền lợi sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp cùng những nhà hoạt động cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân thuộc địa ở An Nam. Bản yêu sách nhanh chóng tác động mạnh mẽ đến cả người Pháp và người Việt Nam. Người Pháp coi đây là quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp. Đối với người Việt Nam, bức thông điệp tám điểm được coi đó là tiếng sấm mùa xuân, báo hiệu một dân tộc bị áp bức đang khát khao vùng lên giành độc lập.
Dù bản yêu sách ấy không được hội nghị của các nước đế quốc, đồng minh đưa vào chương trình xem xét nhưng Bác của chúng ta không lùi bước, tiếp tục tự tay viết lại bằng hai thứ tiếng: Quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư”, bỏ tiền túi thuê in rồi phân phát đi nhiều nơi, trong các cuộc hội họp, mít tinh, đến các nhà hoạt động chính trị và tìm cách được đăng trên các tờ báo. Đấy là trách nhiệm trước dân tộc của người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu trở thành nhà hoạt động dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Ngay giữa vòng vây của kẻ thù, người thanh niên mảnh khảnh ấy đã hiên ngang, đanh thép đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi hỏi Việt Nam phải có được những quyền cơ bản chính đáng. Khi ấy, Bác Hồ của chúng ta 29 tuổi, vẫn còn ở độ tuổi thanh niên.

“Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”.

Tám mươi chín mùa Xuân trước, Đảng ta ra đời. Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày ấy của chúng ta đều còn rất trẻ, đã nguyện chiến đấu, hy sinh, dâng hiến cuộc đời mình cho cách mạng. Đó là Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh… Các anh mãi mãi là những tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, về trách nhiệm mẫu mực, cao cả trước Nhân dân, trước vận mệnh quốc gia dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Những tấm gương trung liệt đã góp phần làm rạng rỡ non sông. Hôm nay và mãi mãi về sau, những tấm gương bất khuất, anh hùng ấy không bao giờ phai mờ trong trái tim, khối óc các thế hệ con người Việt Nam.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Quân khu 2, thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay đã nỗ lực thi đua phấn đấu trên các lĩnh vực công tác. Nhiều đồng chí đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong thực hiện các nhiệm vụ, luôn đề cao trách nhiệm nêu gương trước tập thể. Đó là Thiếu tá Lê Văn Sáu, Phó đội trưởng Đội xe thuộc kho K5, Cục Kỹ thuật luôn tận tụy với công việc, vượt lên nỗi đau của căn bệnh hiểm nghèo, tình nguyện hiến tạng để làm tròn trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Tập thể Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu luôn đoàn kết, vững vàng lãnh đạo, chỉ đạo LLVT Quân khu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đồng chí luôn được tập thể, cấp dưới kính trọng, đề nghị suy tôn thành tích của cá nhân. Nhưng với sự khiêm nhường, luôn biết lo cho cấp dưới, hai năm qua 2017, 2018, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đề nghị một đồng chí để Bộ Quốc phòng khen thưởng. Đây chính là tấm gương mẫu mực về sự cống hiến hết mình, về tinh thần trách nhiệm, nêu gương trước tập thể, trước cấp dưới của mình mà mỗi chúng ta cần phải trân trọng và học tập, làm ngay.
Xuân Kỷ Hợi 2019 này, trên đà đổi mới, hội nhập và phát triển, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đảng bộ và LLVT Quân khu 2 triển khai Quy định 08 gắn với Chỉ thị 53 của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu về nâng cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp trong LLVT Quân khu. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương trong Đảng bộ Quân khu, qua đó khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; xây dựng, rèn luyện, phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Quy định trách nhiệm nêu gương được xây dựng theo nguyên lý: “Có xây, có chống, xây trước, chống sau”; yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện những nội dung liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, chức trách, nhiệm vụ và gia đình, người thân. Riêng đối với bản thân cán bộ, đảng viên cần thể hiện trách nhiệm nêu gương ở các cấp độ: Nghiêm khắc với bản thân, điều gì không nên làm, điều gì không được làm và những biểu hiện cần kiên quyết chống.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương theo Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương gắn với thực hiện Chỉ thị 53 của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu cần được cụ thể hóa vào các lĩnh vực cuộc sống, trở thành việc làm tự giác, tự nhiên, thường xuyên và nền nếp; trở thành văn hóa ứng xử, nhân cách đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là những vị trí chủ chốt, chủ trì các cấp. Trên từng cương vị chức trách, mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện trách nhiệm nêu gương trong nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; nắm vững chủ trương, đường lối, nắm chắc nhiệm vụ; nắm chắc đặc điểm của cơ quan, đơn vị và yêu cầu, bản chất nội dung công việc, từ đó cụ thể hóa trong nội dung tham mưu xây dựng nghị quyết, kế hoạch cấp mình đồng thời gương mẫu trong tìm tòi, đề ra biện pháp triển khai thực hiện.
Việc nêu gương không có nghĩa là bó hẹp trong cái “tôi” cá nhân, nhất là cá nhân giữ cương vị chủ trì, đòi hỏi bắt buộc mọi người phải bắt chước, phải làm theo mình; mà cá nhân phải chấp hành đúng chủ trương nghị quyết để tạo sự đoàn kết, thống nhất; những nội dung, biện pháp nêu gương trong triển khai để mọi người làm được, làm theo và vận dụng. Cần sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, làm sao cho mọi công việc, mọi nhiệm vụ triển khai mang lại hiệu quả thiết thực nhất, gắn trách nhiệm cá nhân trong triển khai nhiệm vụ cơ quan, đơn vị đồng thời yêu cầu tất cả mọi người học tập và nêu gương một cách sáng tạo, phù hợp, hiệu quả.
Trong chương trình thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị năm 2019, toàn Đảng, toàn dân triển khai học tập, làm theo Bác với chủ đề: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đây là nội dung thiết thực, cụ thể. Mọi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần vận dụng vào thực hiện trách nhiệm nêu gương của mình, gắn với tình thương yêu, trách nhiệm với đơn vị, với cấp dưới, với Nhân dân; lắng nghe, quan tâm và tôn trọng cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, phát huy sức mạnh của quần chúng; nắm, định hướng cho cấp dưới, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cấp dưới, hỗ trợ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. 
Nêu gương phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để mọi người dễ thấy, dễ học tập. Cán bộ nêu gương luôn phải cầu thị vì tập thể; loại bỏ một số cán bộ chỉ hướng tập trung vào vận động mọi người ủng hộ, che dấu việc làm không tốt của mình; “ra oai” cá nhân, thể hiện uy tín giả của bản thân bằng mọi cách, hòng làm cho mọi người phải sợ không dám nói thẳng, nói thật, không dám tham gia đóng góp.
Mỗi cán bộ, đảng viên là một chủ thể thực hiện sáng tạo, cần phải nêu gương về giữ gìn, rèn luyện bản thân về phương pháp, tác phong công tác; trong cử chỉ hành động, ứng xử văn hóa, gắn lời nói với việc làm; gương mẫu, trách nhiệm trong việc rèn luyện, giữ gìn sức khỏe bản thân. Bên cạnh đó, phải có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân, gia đình và chịu trách nhiệm cùng gia đình thực hiện pháp luật Nhà nước, quy định của tổ chức. Gia đình cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong khu dân cư, làng xã.
Cá nhân cán bộ, đảng viên chủ trì giữ cương vị, chức vụ càng cao càng cần phải mẫu mực, nghiêm túc nêu cao trách nhiệm nêu gương; với cán bộ trẻ cần phải rèn luyện, học tập phong cách thể hiện trách nhiệm nêu gương từ những người đi trước. Thời tuổi trẻ là giai đoạn quan trọng hình thành, phát triển nhân cách, xu hướng phát triển cá nhân. Nhân cách, bản lĩnh cá nhân là kết quả quá trình rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ, thể hiện sự tâm huyết với nhiệm vụ, chức trách được giao. Những tấm gương cán bộ cách mạng tiền bối chính là bài học thực tiễn sâu sắc để mỗi cán bộ trẻ chúng ta phấn đấu, rèn luyện, noi theo. Làm tốt việc nêu gương, nhất định mỗi chúng ta, tập thể của chúng ta, LLVT Quân khu 2 sẽ luôn vững vàng, trưởng thành, tiến bộ.

Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN
Phó Chính ủy Quân khu

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.