Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 06:15:35

Mùa giá lạnh trên cao nguyên đá

Ngày đăng: 05/11/2018

QK2 – Miền Bắc có đợt rét đầu mùa thì chúng tôi ngược lên Đồng Văn, Hà Giang. Nhiệt độ cao nguyên đá đã thấp hơn rất nhiều so với nền nhiệt chung. Dọc đường, nương ngô đã vắng người. Ở vùng núi cao này, mùa giá rét là mùa của thiếu thốn, đói rét, mùa của chồng chất những khó khăn…

Xã Lũng Phìn có 50% diện tích tự nhiên là núi đá. Cũng giống như các xã khác ở Đồng Văn, đá núi ở Lũng Phìn rất đặc trưng. Trên những dãy núi cao là núi nhỏ, nhấp nhô những tảng đá tai mèo, đá chồng lên đá. Mùa lạnh, những tảng đá đen sậm. Lại gần, thấy rõ lớp rêu khô cong queo bám trên đá. Đứng giữa cao nguyên mênh mông, nghe gió rít trên mặt đá, cảm giác ớn lạnh. Màu đá làm xám xịt cả bầu trời.

Sinh viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng người dân xây nhà vệ sinh cho điểm trường thôn Mao Sao Phìn.

Nương ở đây cũng nằm trên đá. Hiếm hoi mới thấy vài mảnh nương bằng phẳng có diện tích đến vài trăm mét vuông. Hầu hết là những mảnh nhỏ, đất cũng lổn nhổn đá to bằng nắm tay. Cũng chính vì vậy, người dân Lũng Phìn không tính diện tích nương bằng sào mà tính bằng số kilogam giống gieo. Sau mỗi vụ canh tác, đất vơi dần đi, người dân nhặt đá xếp cao hàng chục centimet quây quanh nương.

Xa xa, cao nguyên đá thấp thoáng những đống cây ngô khô đắp như cây nấm khổng lồ, xen lẫn là màu xanh của khóm cỏ voi trong những hốc đá. Khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác khô cằn, khóm xanh vươn lên từ hốc đá tượng trưng cho sự kiên cường của người dân vượt lên khó khăn, bám trụ lấy đất.

Chúng tôi gặp anh Giàng Mí Mỷ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Phìn, tại điểm trường thôn Mao Sao Phìn. Anh Mỷ đang tất tả cùng Trưởng thôn Thào Sính Lùng và một số bà con trong thôn vận chuyển vật liệu xây nhà vệ sinh, ròng đường dây điện cho điểm trường. Thấy chúng tôi, anh Mỷ hồ hởi nói: “Hôm nay là ngày vui, đánh dấu sự thay đổi lớn của điểm trường”. Do số trẻ 3-5 tuổi đến trường tăng nhiều nên lớp mẫu giáo mượn địa điểm sinh hoạt của thôn. Đã chuyển ra học được một năm nhưng điểm trường vẫn chưa có điện, nhà vệ sinh. Như muốn giãi bày khó khăn, anh Mỷ kéo tôi vào phòng học, chỉ những khoảng mái bằng tấm fibro xi măng vỡ trống hoác. Dưới nền nhà còn đọng vũng nước do trận mưa từ đêm qua để lại. Cô giáo Nguyễn Thị Cúc đi cùng chúng tôi, giọng bùi ngùi cô kể: “Nhà tôi ở Bắc Kạn. Từ khi tốt nghiệp ra trường về đây công tác đã được 7 năm. 7 mùa rét qua đi, tôi luôn ám ảnh bởi hình ảnh những học trò nhỏ đến lớp với những bộ quần áo phong phanh”.      

Rồi cô Cúc đưa ra hình ảnh so sánh, khi nhiệt độ xuống dưới 10oC, người ở xuôi quần áo tầng tầng lớp lớp. Cùng thời điểm đó, ở trên cao nguyên này, nhiệt độ giảm xuống còn 2-3oC, sương mù dày đặc, vậy mà, học sinh đến trường chỉ có hai, ba tấm áo mỏng. Có cháu chỉ mặc một tấm áo mỏng tang, không có quần. Điểm trường không có điện, cô trò phải đóng kín cửa chính và cửa sổ nên phòng học tối om. Bên trong, từng tốp trẻ ngồi chụm đầu vào nhau, da xám ngắt, mũi thò lò hai hàng chảy xuống tận miệng. Đến cả những ánh mắt cũng đờ đẫn vì rét. Hệ quả là những đứa trẻ ở đây bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp rất nhiều. Nghe cô Cúc kể mà tôi thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Liên hệ trực tiếp với anh Công Văn Ba, Phó trưởng phòng khám Đa khoa Lũng Phìn, được biết: “Năm 2016, xã Lũng Phìn có hơn 200 lượt trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, 5 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 150 lượt trẻ mắc bệnh về hô hấp và 2 trường hợp tử vong”. Những con số biết nói khiến người nghe không khỏi giật mình. Khi nói về sự chịu đói, chịu rét của những đứa trẻ, người ta ngỡ rằng, những đứa trẻ ở vùng cao khỏe hơn và sức đề kháng mạnh mẽ hơn những đứa trẻ dưới xuôi. Nhưng thực tế không phải vậy. Âu cũng bởi cái nghèo. Ai cũng là da thịt ấy. Vì thiếu thốn nên trong giá lạnh, bệnh tật hành hạ, thậm chí cướp đi sinh mạng của những trẻ thơ.

Đói nghèo thường đi kèm với lạc hậu. Và ở mảnh đất này cũng không phải là một ngoại lệ. Nhiều trường hợp trẻ tử vong do không được chữa bệnh kịp thời. Cô Cúc day dứt: “Ở đây, mỗi khi có trẻ bị bệnh, gia đình thường mời thầy cúng. Đến khi bệnh tình nặng, đưa xuống bệnh viện thì không còn kịp nữa”.

Gần đây nhất là trường hợp một cháu nhỏ bị rắn cắn. Khi gia đình phát hiện không đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu mà mời thầy về cúng. Hậu quả, cháu bé tử vong. Câu chuyện thật xót xa!

(Còn nữa)

PHẠM VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.