Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 03:15:33

Một số giải pháp ngăn ngừa “Tín dụng đen” trong LLVT Quân khu

Ngày đăng: 12/09/2021

Kỳ 2: Quy định của pháp luật xử lý “Tín dụng đen”

QK2 – Hoạt động “Tín dụng đen” xảy ra ở nhiều nơi, không phân biệt vùng miền và thường công khai trên các trang mạng, dưới hình thức các công ty hỗ trợ tài chính, cho vay không cần thế chấp tài sản, chỉ cần chứng minh thư nhân dân hoặc chứng minh thư Quân đội, căn cước công dân… là có thể vay được tiền. Tuy nhiên, việc vay tiền với lãi suất cao rất dễ gây hậu quả cho cá nhân, xã hội và là vấn đề nhức nhối, bức xúc của nhiều người.

Một giờ giải lao của các chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316.

Trước tình hình đó, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm cơ sở xử lý vi phạm. Theo đó ngày 30/6/2017 Chính phủ ban hành Chỉ thị 28 về tăng cường đảm bảo ANTT trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp.

Tiếp đó, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi suất theo thoả thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”. Nếu lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn (20%/khoản tiền vay) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ. Đối với hành vi cho vay vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Theo Điểm d, Khoản 3, Điều 11, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội, thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 2868/QĐ-NHNN năm 2010 về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam thì mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm, hiện nay chưa có văn bản thay thế. Như vậy theo quy định trên nếu người cho vay với lãi suất 9%x150/100=13,5%/năm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn cho vay lãi suất cao hơn có thể bị xử lý hình sự.

Để xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đến tín dụng đen, tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 thì các trường hợp cho vay lãi từ 20% đến dưới 100%/năm khoản vay thì bị xử phạt vi phạm hành chính, cho vay lãi suất trên 100%/năm đối với khoản vay thì mới xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên để xử lý hình sự đối với người cho vay lãi nặng, ngoài mức lãi suất trên 100%/1 năm đối với khoản tiền vay, cần có thêm 2 điều kiện sau đây:

1. Người cho vay phải đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

2. Người cho vay được thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (khoản 1 Điều 201 BLHS).

“Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Tức là sau khi bị xử phạt hành chính về hành vi cho vay lãi nặng thì trong thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm kể từ ngày thực hiện Quyết định xử phạt mà không vi phạm hành vi cho vay lãi nặng thì được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.                

Bài, ảnh: DUY TUẤN-MINH HƯỞNG – SONG VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.