Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 11:34:43

“Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật – một đáp án đúng” của Lữ đoàn 297

Ngày đăng: 04/07/2018

Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 297 và cấp ủy, chỉ huy các cấp có nhiều mô hình hay nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Một trong những mô hình sáng tạo phải kể đến đó là mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật – một đáp án đúng” của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 297.

Cán bộ chỉ huy hướng dẫn tổ chiến sĩ ôn luyện câu hỏi pháp luật.

Tiểu đoàn 1 đứng chân trên địa bàn Thành phố Việt Trì (Phú Thọ), chịu sự tác động không nhỏ của các tai, tệ nạn xã hội. Những năm qua, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của bộ đội có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhưng chưa thực sự vững chắc. Nhận thức về xã hội nói chung, kiến thức pháp luật nói riêng của cán bộ, chiến sĩ không đồng đều, nhất là hạ sĩ quan, chiến sĩ, còn có nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, để nâng cao nhận thức pháp luật, tạo sự chuyển biến ngày càng vững chắc về ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm kỷ luật thông thường, chấm dứt vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn Tiểu đoàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó luôn xác định: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là một nhiệm vụ quan trọng, một nội dung phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; đặc biệt là phải nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của đơn vị và khả năng, trình độ nhận thức của từng đối tượng. Trong các phương thức thực hiện, mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật – một đáp án đúng” đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện mô hình trên, mỗi đầu mối đại đội thành lập một tổ biên tập do đồng chí Chính trị viên làm tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động hằng tháng, quý, năm; đề ra chương trình hoạt động cụ thể đến từng ngày; xây dựng hệ thống “Ngân hàng câu hỏi”; biên tập, tổ chức phát sóng, theo dõi, tổng hợp kết quả của toàn đơn vị. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị lựa chọn, biểu dương những tập thể, cá nhân có kết quả hoạt động tốt theo kế hoạch đã đề ra.

Cùng với đó, tổ biên tập thường xuyên phải nghiên cứu, lựa chọn nội dung sát với đặc điểm và thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ. Với pháp luật của Nhà nước, mô hình tập trung xây dựng câu hỏi vào các nội dung của Bộ luật Hình sự, các thông tư, nghị định, văn bản pháp luật cùng với các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Quân khu, Lữ đoàn và các quy định của đơn vị.

Nhận định về mô hình, Đại úy Nguyễn Đức Phú, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 khẳng định: Thực hiện mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật – một đáp án”, các đơn vị chủ động xây dựng bộ câu hỏi phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm; đồng thời giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu về vị trí, vai trò, ý nghĩa của từng điều luật, thông tư, chỉ thị… Việc kiểm tra đều đặn hằng ngày, hằng tuần không những giúp cán bộ, chiến sĩ “soi lại” bản thân trong thực hiện nhiệm vụ mà còn giúp bộ đội nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức Đảng TSVM, đơn vị VMTD.

Theo đó, hằng ngày, vào lúc 18 giờ 30 phút, Tổ biên tập đưa ra một câu hỏi pháp luật theo hình thức trắc nghiệm trên hệ thống truyền thanh nội bộ; bộ đội nghiên cứu, trao đổi qua buổi sinh hoạt, từ tổ 3 người đến khẩu (tiểu) đội, trung đội, sau đó báo cáo đáp án mình lựa chọn với trung đội trưởng; trung đội trưởng tổng hợp, báo cáo về Tổ biên tập vào lúc 21 giờ cùng ngày. Tổ biên tập nghiên cứu, lựa chọn và thông báo kết quả trả lời câu hỏi trước cũng như đáp án đúng vào 18 giờ 30 phút ngày hôm sau; đồng thời, đưa ra câu hỏi mới cho bộ đội tiếp tục nghiên cứu.

Binh nhất Hà Văn Nhớn, chiến sĩ Khẩu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 2 chia sẻ: Chúng tôi rất hào hứng khi tham gia mô hình này. Thông qua câu hỏi và được trao đổi hằng ngày, các kiến thức về pháp luật, kỷ luật dần được thẩm thấu, ngấm dần vào nhận thức của từng người. Từ đó, chúng tôi có sự am hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

“Mưa dầm – thấm sâu”, qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện, mô hình này đã góp phần đưa hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở đơn vị ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành nhu cầu của bộ đội trong tìm hiểu và thực hiện pháp luật Nhà nước, Điều lệnh Quân đội, các quy định của đơn vị; tạo sự chuyển biến ngày càng vững chắc về ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. Các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường giảm rõ rệt, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng được chấm dứt hoàn toàn.

Bài,ảnh: BÙI NGỌC HUÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.