Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:23:15

Mô hình giáo dục lịch sử, văn hóa hiệu quả

Ngày đăng: 17/11/2015

QK2 – Lâu nay, công tác giáo dục chính trị (GDCT) ở một số đơn vị cơ sở còn bộc lộ không ít hạn chế như: Nội dung giáo dục còn sơ sài, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình; việc kết hợp giữa giáo dục, thông tin, tuyên truyền với định hướng tư tưởng chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt, hình thức giáo dục chưa sinh động, hấp dẫn, chậm được đổi mới, tình trạng “thầy đọc, trò ghi” còn khá phổ biến…, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác GDCT ở các đơn vị. Để khắc phục tình trạng trên, Thiếu tá Trần Đình Trọng, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã nghiên cứu và cho ra đời “Mô hình giáo dục bổ trợ lịch sử, truyền thống văn hóa”.

Thiếu tá Trần Đình Trọng giảng bài cho chiến sĩ trên "Mô hình giáo dục bổ trợ lịch sử, văn hóa”.

Thiếu tá Trần Đình Trọng giảng bài cho chiến sĩ trên “Mô hình giáo dục bổ trợ lịch sử, văn hóa”.

Mô hình có cấu tạo gọn nhẹ, gồm một khung nhôm có kích thước 1,2 x 2m; mép dưới của khung cách mặt đất 60cm; bề mặt khung được làm bằng phoóc-mi-ca, trên đó dán cố định một tờ giấy A0. Toàn bộ diện tích trong khung được bố trí, sắp xếp theo trình tự thời gian các mốc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam từ thời tiền sử đến thời đại Hồ Chí Minh. Những mốc lịch sử trọng đại được in chữ màu đỏ và có ảnh minh họa sinh động. Góc bên phải ngoài cùng của mô hình là hình ảnh Di tích lịch sử Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) cùng một số kết quả hoạt động nổi bật của LLVT tỉnh Hà Giang…
Để chứng minh tính hiệu quả của mô hình này, Thiếu tá Trần Đình Trọng đã lên lớp cho các chiến sĩ Trung đội vệ binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh về lịch sử đất nước qua các thời kỳ. Như một người thầy dạy môn Lịch sử, với mô hình này, anh say sưa giảng giải cho các bạn trẻ về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta qua hàng nghìn năm lịch sử với những số liệu, mốc thời gian cụ thể có trên mô hình. Binh nhì Hoàng Quang Chế, chiến sĩ Trung đội vệ binh cho biết: “Các sự kiện lịch sử trên tấm bảng này được khái quát một cách ngắn gọn, bố trí, sắp xếp hài hòa theo trình tự thời gian, nên chúng tôi dễ nhớ, dễ thuộc và rất hứng thú khi nghe cán bộ giảng bài”.
Về “đứa con tinh thần” của mình, Thiếu tá Trần Đình Trọng chia sẻ: Chiến sĩ trên địa bàn vùng cao Tây Bắc hầu hết là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay kiến thức về lịch sử đất nước và quân đội còn “mỏng”… Nhờ có mô hình này, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về lịch sử dân tộc thông qua các số liệu, mốc thời gian cụ thể biểu thị trên mô hình. Hơn nữa, do mô hình có cấu tạo gọn nhẹ, hình thức đẹp nên có thể đặt tại phòng Hồ Chí Minh, phòng giao ban, phòng ở… rất thuận tiện cho các chiến sĩ nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, góp phần hiệu quả giáo dục truyền thống cho bộ đội.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.