Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 08:50:52

Màu xanh thắp sáng vùng biên

Ngày đăng: 01/03/2021

QK2 – Những năm qua cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 356 (KT-QP) đã kiên trì bám bản thực hiện tốt phương châm: “3 bám, 4 cùng, 5 có” cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cán bộ Đoàn KT-QP 356 hướng dẫn, giúp đỡ người dân xã Vàng Ma Chải kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ.

Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn cho biết: “Ở đây, nếu thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng, 5 có” đó là: Bám chủ trương đường lối, bám địa bàn, bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào; có hiểu biết, có tâm huyết, có trách nhiệm, có năng lực ứng xử và có bản lĩnh, nhưng vẫn chưa đủ nếu khi đồng bào chưa hiểu ngôn ngữ” tiếng Kinh. Bởi thế, Đoàn 356 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chặt chẽ hiệu quả các lớp học từ 19 giờ 30 đến 22 giờ. Học sinh phần lớn là những nông dân ngày ngày quen với cái nương, cái rẫy, giờ bộ đội tuyên truyền hiểu được ý nghĩa của con chữ để đi khám bệnh khỏi bị nhầm phòng; vay vốn ngân hàng khỏi điểm chỉ bằng ngón tay; cái tin nhắn không phải nhờ người đọc hộ… Thế là mọi người trong các bản không kể tuổi tác thi nhau đi học.

Tận tay tôi lật lại những trang viết ban đầu, với những nét chữ ngô nghê ngược lên, võng xuống, sau thời gian được những trí thức trẻ tình nguyện uốn nắn dần cũng thẳng hàng đúng lối. Trong cái e dè của người đồng bào chị Sùng Mý Pờ, bản Tà Chư, xã Sì Lở Lầu cho biết: “Mình học được một tháng rồi, được các trí thức trẻ nhiệt tình hướng dẫn mình đã biết viết rồi”. Chị Lý Dì Phe người cùng bản, không giấu niềm vui chia sẻ: “Trước đây không biết chữ đi chợ không rõ để trả tiền, nhưng bây giờ biết rồi, biết đọc tiền, đọc tin nhắn rồi”.

Cùng với dạy chữ cho bà con, cán bộ đoàn luôn đồng hành tận tâm, tận lực với dân bản. Với quan điểm nói cho bà con hiểu, làm cho bà con theo; những mô hình nuôi thỏ lai; dê, gà, ngan, lợn đen bản địa; mô hình trồng cây dâu tây, cây măng tây là sản phẩm chất lượng cao cũng được đầu tư bài bản. Rồi đến những cánh đồng bậc thang xưa kia bà con gieo hạt chỉ biết trông chờ vào thiên nhiên, năm được thu hoạch, năm không, năng suất không cao. Giờ thay vào đó là những giống lúa mới như: Nghi Hương 2308; Nhị Ưu 838 cơm dẻo và thơm cho năng suất từ 50 đến 55 tạ trên 1 ha.

Chị Lò Thị Hằng, trí thức trẻ tình nguyện của đoàn chia sẻ: Tham vọng của chúng tôi là chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng dẫn bà con trồng lúa nước, các loại cây thảo dược; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; hướng dẫn bà con cách phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Như để khẳng định thêm việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình với bà con dân bản của cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện của đoàn, đồng chí Lý Y Khai, Phó Bí thư xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ nói với chúng tôi: Cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao công lao của đoàn. Đặc biệt bà con dân bản luôn coi bộ đội là những người con trong mỗi gia đình, bởi sự tận tâm, tận lực của các anh. Ngoài ra còn tham mưu cho xã để xây dựng hệ thống đường giao thông đến các thôn bản. Cùng đi trên con đường vào bản, bà Tẩn Xử Mẩy 60 tuổi, ở bản Xì Choang, xã Vàng Ma Chải như có dịp gặp cán bộ để “khoe” thành tích, bà nói như không muốn ngừng lời: Từ khi có bộ đội Đoàn 356 về hướng dẫn, giúp đỡ đời sống khá hơn rồi. Ngày xưa giống lúa cũ bông ngắn, năng suất thấp, nay có giống mới tốt hơn…

Điều đáng ghi nhận nữa là Đoàn 356 đã sớm nhìn ra cái khó khăn của bà con mỗi khi được mùa thì lại bị tư thương ép giá. Với quan điểm bình ổn giá và giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, Đoàn 356 đã thành lập tổ dịch vụ thu mua, chế biến nông sản. Anh Sùng A Pào, bản Pa Vây Sử, xã Pa Vây Sử khẳng định: “Trước kia chưa có tổ thu mua của Đoàn 356 thì đi chợ bán nếu không bán được chỉ có bỏ đi, chứ không có sức mà mang về vì ở nhà nhiều rồi. Bây giờ có tổ thu mua có gì thì cán bộ mua hết". Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Quân đội được truyền nối qua những người lính Cụ Hồ, tạo nên những cánh đồng: Xì Choang, Tà Ô, Tà Phùng, Khoa San, Hoang Thèn, Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3… mỗi ngày thêm tốt tươi.

Màu xanh áo lính, màu xanh trí thức trẻ tình nguyện hòa quyện với bà con dân bản nơi thâm sơn cùng cốc, đã tạo những vụ mùa bội thu. Trong mỗi hộ gia đình ở khắp các bản vùng cao thuộc 7 xã biên giới Phong Thổ nhà nhà có thỏ, có gà, ngan, lợn đen bản địa để đón “Trâu vàng” cầu may. Ngoài kia những vạt đồi thảo dược; những bãi dâu tây, măng tây mỗi ngày thêm vươn cao, đơm hoa kết trái. Tây Bắc hôm nay đã và đang có thêm những mảng màu rực sáng. Lo cho cuộc sống của nhân dân, cũng chính là hướng tới một mục tiêu lớn lao hơn, vì một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Bộ đội bên dân giúp dân, dân yên tâm bám biên giữ đất, đó chính là cuộc đồng hành son sắt vì sự phát triển bình yên nơi dọc dài biên giới. Bộ đội Cụ Hồ và trí thức trẻ tình nguyện đã góp phần thắp sáng một vùng biên. Đây là cơ sở để xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh, một địa bàn an toàn phía Tây, Tây Bắc Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.