Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 07:07:38

Mãi mãi tuổi 20

Ngày đăng: 01/05/2020

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Niềm khao khát được ra chiến trường, dấn thân và hy sinh vì Tổ quốc thân yêu là lý tưởng cách mạng của một thế hệ thanh niên ngày ấy. 45 năm khói lửa chiến tranh đi qua, mỗi dịp tháng Tư về, những cựu chiến binh đã hơn một lần vào sinh ra tử cho Nam – Bắc sum họp một nhà lại có dịp sống lại thời tuổi trẻ hào hùng bên đồng đội cùng những cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Một ngày cuối tháng Tư, đâu đây trong vạt nắng vẫn dư âm cái rét nàng Bân nhẹ nhàng, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đến thăm gia đình cựu chiến binh Trần Đức Thụ, ở thôn Thái Vô. Trong ngôi nhà gỗ đơn sơ giữa bạt ngàn xanh của những trụ thanh long soi mình bên ao cá, cựu chiến binh Trần Đức Thụ nhớ lại những năm tháng chiến đấu và phục vụ chiến đấu nơi chiến trường miền Nam.

Mỗi dịp tháng Tư về luôn gợi lại trong ký ức những người lính về một thời tuổi trẻ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (ảnh chụp trước ngày 28/3/2020).

Ngày ấy, chàng thanh niên Trần Đức Thụ mới 18 tuổi đã tạm biệt quê hương Nho Quan, Ninh Bình tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trải qua mấy tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, tháng 6/1973, ông cùng đồng đội thuộc sư đoàn 316 bắt đầu hành quân vào Nam, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Phục vụ trong đơn vị chủ yếu đánh địch ở địa hình rừng núi nên nhiệm vụ của lính thông tin rất vất vả, do việc chuyển tin phải thực hiện bằng việc đi bộ. Nhất là trước và trong các trận đánh, khi có chỉ đạo của chỉ huy, những người lính thông tin như ông Thụ lại nhanh chóng băng qua mưa bom, bão đạn để chuyển tải mệnh lệnh kịp thời đến các đơn vị, đồng đội. Cứ thế, mỗi ngày anh lính Trần Đức Thụ nặng chưa đầy 50 kg phải chạy bộ vài chục cây số, lúc đầu rất vất vả, lâu dần cũng quen.

Ông bảo: Trong hàng tá kỷ niệm quân ngũ, tôi nhớ nhất lần chuyển tin trong trận đánh Buôn Ma Thuột!

Năm tháng chảy tràn trí nhớ, ký ức nhạt nhòa, cựu chiến binh Trần Đức Thụ chỉ nhớ đêm hôm đó, tổ của ông gồm 3 người được chỉ huy sư đoàn gọi lên giao nhiệm vụ đến một địa chỉ (thực chất là kho vũ khí) yêu cầu cung cấp đạn pháo tăng để tiếp tục đánh địch. Vừa mới đến nơi đóng quân, đường sá, địa hình, địa vật còn xa lạ, lại nhận nhiệm vụ trong tình thế cấp bách, ông Thụ cùng đồng đội phải vận dụng hết các kiến thức được học tập và kinh nghiệm những năm chiến đấu để tính toán từ bản đồ áp dụng vào con đường thực tế thực thi nhiệm vụ. 20 giờ, 3 người bắt đầu xuất phát, luồn rừng, băng khe đến 4 giờ sáng hôm sau cũng đến được địa chỉ để giao mảnh giấy chứa mệnh lệnh cấp bách.

Cựu chiến binh Trần Đức Thụ hào sảng: Nhiệm vụ của lính thông tin phục vụ chiến đấu đòi hỏi phải nhanh, vừa thành thục khả năng chiến đấu của bộ binh, vừa như một người lính trinh sát, lại phải nắm chắc kiến thức về bản đồ, địa hình, địa vật. Đường đưa tin mịt mù thăm thẳm, nhiều khi băng mình dưới làn đạn của kẻ thù, nhưng chúng tôi vẫn một ý chí, sẵn sàng hy sinh, không để những thông tin quan trọng lộ, lọt vào tay địch, ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng trăm đồng đội.

Sau trận đánh ở Buôn Ma Thuột, ông Thụ tiếp tục cùng đồng đội tiến quân về Tây Ninh, chiến đấu với địch ở vùng rộng lớn Tây Ninh – Sài Gòn – Sông Bé cho đến ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Bích luôn tâm niệm sống nêu gương để con cháu noi theo.

Nhớ lại những năm tháng hào hùng, cựu chiến binh Đặng Ngọc Bích, ở tổ 1, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa bộc bạch: lý tưởng của tuổi trẻ ngày đó là được ra chiến trường, được dấn thân cùng dòng thác cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Bích được lệnh nhập ngũ, huấn luyện ở Viện Quân y 109, đến cuối năm thì vào mặt trận B5T8 (thuộc Quảng Trị), phục vụ chiến đấu cho Sư đoàn 304. Cựu chiến binh Bích tự hào vì bản thân được tham gia nhiều chiến dịch lớn như Đường 9 Nam Lào, Mậu thân 1968, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và cùng cánh quân hướng Đông Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Là lính quân y, nhưng khi gặp địch vẫn phải chiến đấu như những đồng đội khác. Cựu chiến binh Bích nhớ lại lần cùng đồng đội tiêu diệt kẻ địch ở khu vực A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên – Huế) năm 1970. Khi đó, đơn vị ông lọt vào trận địa máy bay địch. Trên bầu trời, vài chục chiếc máy bay, những cánh quạt xé gió rít lên từng hồi làm cây cối nghiêng ngả. Ông và đồng đội không hề nao núng, kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Sau nhiều giờ quần thảo, quân địch rút lui, may mắn thay, đơn vị ông vẫn bảo toàn lực lượng. Một lần khác, khi đang đóng quân ở khu vực Khe Bùn, Bến Trắm trên sông Ba Lòng (Quảng Trị), đơn vị ông nhận được lệnh di chuyển vị trí đóng quân do bị địch phát hiện. Mọi người nhanh chóng thu dọn quân tư trang, vừa kịp di chuyển thì những loạt đạn đầu tiên dội đến, nhưng vẫn làm 2 đồng đội của ông hy sinh. Ông bảo: Đó là những lần tôi trải qua cảm giác của sự sống và cái chết trong tích tắc. Còn những năm tháng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tôi không nhớ mình đã cấp cứu bao nhiêu đồng đội, tiễn đưa bao nhiêu đồng đội, mỗi lần như vậy cho chúng tôi thêm bài học về sự trân quý, yêu thương, đùm bọc nhau vượt qua bão lửa để đi đến ngày thống nhất, hòa bình.

Cựu chiến binh Trần Đức Thụ, Đặng Ngọc Bích cũng như hàng nghìn, hàng vạn thanh niên một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, họ và thế hệ của họ đã góp phần làm nên “dáng hình đất nước” hôm nay. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi công ơn của những người anh hùng, những người con đã không quản ngại gian lao, hy sinh vì Tổ quốc.

(Theo LCĐT)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.