Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 11:29:01

Mạch nguồn truyền thống Trung đoàn Cao – Bắc – Lạng

Ngày đăng: 19/08/2019

QK2 – Đúng 70 năm trước, Trung đoàn 174 (Trung đoàn Cao – Bắc – Lạng) được thành lập. Vì thế hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lại có dịp ôn lại truyền thống vẻ vang rất đỗi tự hào của một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947, tình hình cách mạng nước ta có nhiều chuyển biến mới. Yêu cầu nhiệm vụ chiến lược phải xây dựng các đơn vị chủ lực mạnh đáp ứng với cách đánh vận động để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Ngày 19-8-1949, tại xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Trung đoàn 174 được thành lập.

Trung đoàn 174 thường xuyên quan tâm, thực hiện hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho bộ đội.

Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn thử thách, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, đánh thắng ngay từ những trận đầu. Chiến thắng Bông Lau – Lũng Phầy lần thứ 4 (ngày 3-9-1949) – một trong ba trận phục kích lớn, xuất sắc nhất thời kỳ đầu kháng chiến là một trong những chiến công chói lọi của Trung đoàn, trực tiếp góp phần xây dựng truyền thống "Đã đánh là thắng, thắng ngay trận đầu" của đơn vị Anh hùng.

Chiến công nối tiếp chiến công, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn tiếp tục lập công xuất sắc trong Chiến dịch Biên Giới (1950). Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, ngày 1-5-1951, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316) được thành lập. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 từ đây chiến đấu trong đội hình của một đại đoàn chủ lực mạnh. Chỉ trong thời gian ngắn, Trung đoàn vừa huấn luyện bộ đội, vừa gấp rút làm công tác chuẩn bị để tham gia chiến dịch ở vùng trung du và vùng địch hậu. Cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn 174 đã phá vỡ vành đai trắng của địch, vừa chiến đấu, vừa tuyên truyền vận động nhân dân vững tin và ủng hộ kháng chiến.

Năm 1952, trong Chiến dịch Tây Bắc, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn lại hăng hái lên đường tham gia chiến dịch, trực tiếp chiến đấu giải phóng Nghĩa Lộ – Yên Bái, Mộc Châu – Sơn La, góp phần đập tan “lá chắn thép” của quân Pháp xâm lược trên cửa ngõ phía Nam Tây Bắc. Sau đó, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn tiếp tục tham gia Chiến dịch Thượng Lào (1953); đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếng nổ của quả bộc phá nghìn cân trên đồi A1 do Trung đoàn thực hiện đã trở thành hiệu lệnh tổng công kích cho toàn mặt trận, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo đề nghị của Mặt trận yêu nước Lào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Trong hơn 9 năm liên tục chiến đấu tại 6 tỉnh Bắc Lào, hình ảnh người chiến sĩ Trung đoàn thủy chung kề vai sát cánh cùng quân dân nước Bạn chống kẻ thù chung, góp phần vun đắp tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào.

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Trung đoàn trở về Tổ quốc cùng quân, dân cả nước đồng sức, dốc lòng, quyết tâm đánh thắng Mỹ-Ngụy, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Nằm trong đội hình của Sư đoàn 316, Trung đoàn 174 đã hành quân thần tốc, vượt hàng nghìn cây số kịp thời có mặt tại vị trí tập kết Đắc Đam. Tại đây, Trung đoàn vinh dự nhận nhiệm vụ tham gia đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, cùng các đơn vị bạn đã nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và đập tan các cuộc phản kích của địch.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng đã tạo ra thời cơ lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Trong 5 cánh quân thần tốc tiến về Sài Gòn – Gia Định tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 174 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3 đánh vào hướng Tây Bắc Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã đoàn kết, mưu trí, dũng cảm chiến đấu tiến công các cứ điểm địch, cắt đứt tuyến đường Sài Gòn – Tây Ninh; kiềm chế, tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 25 Ngụy, làm chủ địa bàn Trảng Bàng (Tây Ninh), Phước Mỹ…, mở tung cánh cửa thép phía Tây, tạo điều kiện cho các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, nhiệm vụ chính trị trung tâm của Trung đoàn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp trên giao. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng, chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn. Thường xuyên duy trì nghiêm túc chế độ sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu; kết hợp giữa huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm… Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã giữ vững và phát huy tốt chức năng đội quân công tác; thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống…

Với những chiến công và thành tích vẻ vang trong 70 năm qua, Trung đoàn đã vinh dự có 3 tập thể và 14 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các Anh hùng La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô… đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương và huy hiệu các loại. Những phần thưởng cao quý đó là tài sản tinh thần vô giá, là niềm tự hào, nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 hôm nay học tập và noi theo.

Trung tá NGUYỄN NHƯ HỢP
Phó Chính ủy Trung đoàn 174

 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.